A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình trạng béo phì ở trẻ em

Hiện nay, tình trạng béo phì ở trẻ em rất đáng lo ngại. Béo phì là nguyên nhân và nguy cơ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh xương khớp, tăng huyết áp…

Béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, cuộc sống vật chất được nâng lên, nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình ngày càng dồi dào và được thay đổi khá đa dạng, thức ăn nhanh được bán khắp nơi. Cùng với đó là tình trạng người mắc bệnh béo phì ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ở nước ta, tỉ lệ béo phì hiện tại chiếm khoảng 6,6% dân số. Lứa tuổi từ 45 đến 54 có tỷ lệ béo phì cao nhất, trong đó nam giới 5,28%, nữ giới 8%. Tỉ lệ béo phì ở trẻ em cũng ngày càng gia tăng.

       Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì gồm: mất cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thức ăn có hàm lượng năng lượng cao; phụ nữ sau sinh không nuôi con bằng sữa mẹ, không có kế hoạch giảm cân; lười vận động, ít vận động kết hợp với ăn uống thừa năng lượng làm tăng nguy cơ béo phì; tuổi càng cao thì quá trình trao đổi chất càng kém hiệu quả, dễ tích tụ mỡ; yếu tố di truyền, gia đình có bố, mẹ béo phì thì khả năng con béo phì cao... Trong tất cả các nguyên nhân trên thì nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì vẫn là tình trạng mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lương tiêu hao.

Trẻ em bị thừa cân có nguy cơ béo phì, tử vong sớm và tàn tật cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ béo phì có thể bị khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch sớm, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý.

          Theo báo cáo thống kê y tế trường học của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 590 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ 1%. Nhằm hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường hướng dẫn, giám sát chặt chẽ hoạt động y tế trường học như: phối hợp và yêu cầu nhà trường liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để thường xuyên thông báo về tình trạng sức khỏe của trẻ; tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho những cha mẹ có con đang ở tình trạng thừa cân, tiền béo phì hoặc béo phì để có sự cân đối dinh dưỡng nhằm kiểm soát cân nặng của các cháu…

   Ths Phùng Thị Hồng Ngọc - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để phòng ngừa thừa cân, béo phì cần thường xuyên kiểm tra cân nặng để có thể kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Khẩu phần ăn mỗi ngày nên được thiết kế sao cho đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cân đối hợp lý, phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau và thay đổi thường xuyên. Không nên chỉ ăn riêng và ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào đó. Việc thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao vừa sức, phù hợp lứa tuổi sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho việc phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ thừa cân béo phì. Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi các thông tin giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, phòng tránh thừa cân béo phì cũng như các bệnh mãn tính liên quan đến vấn đề dinh dưỡng.

   Chị N.T.T, mẹ cháu T.A trường mầm non tư thục 1/6 - thành phố Gia Nghĩa cho biết: “Con nhà tôi có thể trạng mập từ lúc nhỏ. Cháu hay thèm ăn và ăn uống khỏe nên tăng cân đều đặn. Vừa qua, nhà trường thông báo là cháu đang ở trong tình trạng bị béo phì độ 1. Nhà trường đề nghị gia đình phối hợp trong chế độ dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng cho cháu, từ đó tôi đã hạn chế cho cháu ăn vặt các thức ăn nhanh như gà rán, kem, bánh ngọt thay vào đó là các loại rau xanh, trái cây. Đồng thời tăng cường cho cháu vận động và tham gia các hoạt động ngoài trời. Vì thế hiện nay cháu phát triển chiều cao tốt và ít tăng cân hơn. Tôi hi vọng  khi hết bậc học mầm non cháu sẽ cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì”.

  Để hạn chế trình trạng thừa cân béo phì trong trường học, các trường có tổ chức ăn bán trú cần chú ý tình trạng cân nặng, sức khỏe của các em. Những học sinh thừa cân, béo phì thường có nhu cầu ăn nhiều hơn, các cô cần chú ý khuyến khích các em ăn nhiều rau củ hơn, bổ sung một số món ít dầu mỡ. Vận động các em tham gia các câu lạc bộ thể dục như bơi lội, thể dục, múa … để tăng cường hoạt động thể lực, yêu cầu cha mẹ hạn chế cho các con ăn bánh, uống nước ngọt vào buổi tối tại nhà để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì.

   Bệnh béo phì có thể phòng ngừa và điều trị được, do đó công tác truyền thông nâng cao nhận thức để mọi người thay đổi hành vi, lối sống, đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của đơn vị y tế mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, góp phần vào việc cải thiện và nâng cao tầm vóc, sức khỏe trẻ em./.


Tác giả: Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website