Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới
Trong 15 năm qua, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban bí thư Trung ương Đảng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiến hành nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, đã tạo được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống HIV không ngừng được cải thiện
Trong những năm qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được ngành y tế triển khai trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều mô hình, nhiều cách làm hiệu quả. Hàng năm, Sở Y tế đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt trong các tháng trọng điểm, các sự kiện như: hưởng ứng Luật phòng, chống HIV/AIDS; Ngày thế giới phòng chống ma tuý; Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10/11-10/12) và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12)… đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.
Không quản ngại khó khăn, đội ngũ cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở xã, phường, thị trấn đã nỗ lực tổ chức triển khai công tác truyền thông đến từng hộ gia đình, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Nhờ đó, người dân được nâng cao nhận thức trong việc phòng chống lây nhiễm HIV. Đồng thời, góp phần từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt, đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh HIV/AIDS.
Công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cũng được lồng ghép thường xuyên vào các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn bon văn hóa, cơ quan văn hóa. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư đã từng bước tạo ra lối sống tốt đẹp, gắn bó giữa người với người, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ được hòa nhập cộng động, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai đồng bộ góp phần nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Các đại biểu thể hiện tinh thần quyết tâm phòng chống HIV/AIDS tại lễ mít tinh Hưởng ứng Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng chống HIV năm 2020
Hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, kiện toàn và hoạt động hiệu quả
Ngành Y tế đóng vai trò chủ công trong công tác tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền về việc đề ra chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, đơn vị tham mưu trực tiếp là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trực thuộc UBND tỉnh, thường trực là Sở Y tế. Các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS để chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn cấp mình quản lý.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS các cấp đã từng bước củng cố, hoàn thiện và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng đã giúp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành một hoạt động liên ngành phong phú, đa dạng. Từng bước khống chế tốc độ lây nhiễm HIV, giảm số nhiễm mới hằng năm và giảm số tử vong do HIV/AIDS.
Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó đã huy động được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định tâm lý, phát triển kinh tế, tham gia điều trị lâu dài.
Hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS không ngừng được nâng cao
Trong những năm qua, hoạt động phòng chống HIV/AIDS được ngành y tế chú trọng với 03 hoạt động chủ đạo gồm: hoạt động tăng cường xét nghiệm phát hiện HIV; hoạt động mở rộng can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây truyền HIV; và hoạt động mở rộng đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS.
Toàn tỉnh hiện có 09 Phòng tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV/AIDS (Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện/thị xã), có 01 Phòng xét nghiệm khẳng định HIV (được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận năm 2016) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Do đó, công tác xét nghiệm HIV đã được tiến hành thường xuyên.
Hoạt động mở rộng can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai đồng bộ và rộng khắp. Bên cạnh đó, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Lao/HIV, dự phòng phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả đã đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Hoạt động điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) đã được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân được quản lý và điều trị bằng thuốc ARV đạt 94,75% (289/305).
Đặc biệt, từ năm 2019 ngành y tế đã bắt đầu triển khai điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV qua nguồn bảo hiểm y tế, đồng thời thanh toán qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS khi thực hiện các dịch vụ khám, xét nghiệm (công thức máu, chức năng gan, tải lượng vi rút...). Tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế tăng từng năm. Độ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn toàn tỉnh đạt 100% (không tính các bệnh nhân là phạm nhân).
Trong thời gian tới, Ngành y tế sẽ tiếp tực triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng ưu tiên tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Dự án quốc tế, các chương trình trong nước và địa phương nhằm đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám phát hiện và điều trị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi sự quan tâm, tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS./.