Triển khai hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người và kinh tế, xã hội. Đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin (Đức), Heinrich Hermann Robert Koch (11/12/1843 – 27/5/1910) - bác sĩ và nhà sinh vật học người Đức đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
Tăng cường truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lao
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống lao năm 2024 là: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2024 của Việt Nam là “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao. Nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác. Trong năm 2023, Chương trình chống lao quốc gia đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Những hoạt động được triển khai trong năm 2023 có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực và xét nghiệm Xpert ở cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia. Đặc biệt, các cam kết được đưa ra tại Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2023 cần được triển khai thành hành động cụ thể. Trong đó, truyền thông được xem là một trong những giải pháp trọng yếu.
Theo đó, trong năm 2024, các hoạt động truyền thông phòng chống lao sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: In và treo băng rôn tại các trục đường chính, Bệnh viện/Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế huyện; Phát loa trên xe tuyên truyền và Phát thanh tại đài phát thanh địa phương huyện, thành phố với nội dung thúc đẩy khám phát hiện lao, lao tiềm ẩn và khám chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế; Truyền thông trên mạng xã hội: Đăng tải các hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh lao và lễ kỷ niệm trên nền tảng trang Facebook của y tế địa phương.
Mục đích của việc truyền thông là giúp người dân nhận biết triệu chứng như: ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao; Bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, trong sinh hoạt gia đình tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày; giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
“Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh Lao vào năm 2035”!