A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đẩy mạnh truyền thông về “Làm mẹ an toàn”

Sinh con là thiên chức của phụ nữ. Bất kỳ người phụ nào cũng  mong muốn sinh con thông minh và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ngay từ trước và trong khi mang thai, mỗi bà mẹ cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cũng như sức khoẻ để làm mẹ an toàn. Chính vì vậy, truyền thông rộng rãi về “Làm mẹ an toàn” là một trong những hoạt động quan trọng mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã và đang triển khai, nhờ vào nguồn kinh phí của Dự án 7 – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em và giảm khoảng cách giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Bộ Y tế và các địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn của Chương trình như: cung cấp các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp. Chỉ tiêu đề ra hàng năm của Dự án 7 là: 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh; 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực 3 (KV3) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, trong thời kỳ mang thai sản phụ cần chủ động đi khám thai tại cơ sở y tế, ít nhất 4 lần vào các thời kỳ, như: ba tháng đầu là để xác định có thai hay không, thai đã vào tử cung chưa…; ba tháng giữa kiểm tra để biết thông tin về sự phát triển của thai nhi; ba tháng cuối nhằm để biết sự phát triển của thai, ngôi thai, rau thai, dự kiến ngày sinh, trọng lượng của bé khi ra đời cũng như tiên lượng về cuộc sinh sắp tới. Tuy nhiên, trong thời kỳ cuối của thai kỳ tốt nhất cần khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để nhằm kịp thời phát hiện những bất thường hoặc dấu hiệu chuyển dạ.

Tại Đăk Nông, thực hiện Chương trình Dự án 7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai các hoạt động như: cung cấp các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu cho trẻ, cung cấp sắt cho phụ nữ có thai, cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng đến 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng để bổ sung vào bữa bột/cháo; phát hiện điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại cộng đồng…Đặc biệt, công tác truyền thông vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em được đẩy mạnh. Với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số tới các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Đăk Nông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đề ra các chỉ tiêu:  85% phụ nữ có thai tại xã KV3 biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh;  85% xã KV3 triển khai thực hiện Tuần lễ làm mẹ an toàn hàng năm; 85% tỷ lệ phụ nữ mang thai tại xã KV3 được tiếp cận ít nhất 1 loại tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai Chiến dịch phát động “Làm mẹ an toàn” tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, với sự tham gia của hơn 200 người dân. Cập nhật, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng nội dung, ý nghĩa của Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ và Tuần lễ Làm mẹ an toàn, vận động người dân tham gia hưởng ứng hoạt động tiến đến hình thành các thói quen chú trọng dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số.  Phối hợp với các hoạt động chuyên môn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng đẩy mạnh thực hiện đồng loạt các hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin, nội dung hoạt động của chương trình thông qua các hình thức truyền thông gián tiếp như viết tin bài đăng trên Trang thông tin điện tử ngành Y tế, Báo Đăk Nông và các báo trung ương thường trú tại địa bàn; thực hiện các tin, phóng sự phát trên Đài PT-TH tỉnh… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng thực hiện tiếp nhận tài liệu mẫu và tổ chức in ấn, nhân bản, phân phối đến mạng lưới y tế cơ sở, các mô hình và hộ gia đình trên địa bàn triển khai Dự án nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho người dân./.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website