A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TTYT Cư Jut: tỷ lệ tiêm chủng IPV2 đạt 96% tỷ lệ tiêm chủng IPV2 cao nhất trong toàn tỉnh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ y tế về việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt mũi 2 (IPV2) cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế tỉnh Đăk Nông đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-SYT ngày 07/10/2022 về việc triển khai vắc xin bại liệt dạng tiêm mũi 2 (IPV2) cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông năm 2022.

Chương trình tiêm chủng vắc xin IPV2 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông được triển khai đồng loạt từ tháng 10/2022 tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. IPV mũi 1 được tiêm vào lúc trẻ đạt 05 - 09 tháng tuổi; IPV mũi 2 được tiêm cho trẻ từ 09 - 12 tháng tuổi, trong đó mũi 1 phải đảm bảo cách mũi 2 ít nhất 1 tháng. Theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 30/10/2022, tỷ lệ tiêm chủng IPV2 trên toàn tỉnh đạt 39,2%. Trong đó, huyện Cư Jut đã tiêm cho 386/402 trẻ, đạt 96% - đạt tỉ lệ cao nhất trong toàn tỉnh. Để đạt được thành quả trên phải kể đến sự chuẩn bị, nỗ lực của đội ngũ các y bác sĩ tại các trạm y tế. Bên cạnh đó, quá trình triển khai chiến dịch IPV2 trên địa bàn huyện có nhiều điều kiện thuận lợi.

NỖ LỰC VÀ THUẬN LỢI

Chị Hoàng Thị Miền - Chuyên trách tiêm chủng tại trạm y tế Cư Knia - huyện Cư Jut cho biết: Xã Cư Knia có tổng dân số hơn 9000 người. Trạm có tổng số đối tượng tiêm IPV2 là 38 trẻ. Đến nay trạm đã hoàn thành chiến dịch với 36/38 trẻ được tiêm IPV2 theo quy định, đạt tỉ lệ 95 %. Còn 02 trường hợp do trẻ theo bố mẹ đi làm ăn xa, không cư trú trên địa bàn nên không thể thực hiện tiêm chủng. Trong quá trình triển khai chiến dịch, Trạm y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn để thông báo rộng rãi đến từng hộ gia đình về các nội dung liên quan, chính vì thế công tác triển khai chiến dịch diễn ra hết sức thuận lợi. Hơn nữa, việc triển khai chiến dịch tiêm IPV2 được lồng ghép trong các đợt tiêm chủng mở rộng đã mang lại nhiều thuận lợi, bởi người dân đã quen với lịch tiêm chủng hàng tháng nên khi có thông báo người dân đều sắp xếp thời gian đến tiêm theo quy định. Chiến dịch tiêm IPV2 thuận lợi hơn rất nhiều so với các chiến dịch tiêm chủng vắc covid-19 trước đó.

Chị Hoàng Thị Miền cũng cho biết thêm: Điều kiện giao thông tại xã Cư Knia hầu hết đã được bê tông hóa. Riêng một vài thôn như thôn 7, thôn 9, thôn 10 đường xá đi lại còn khó khăn, vào mùa mưa lầy lội, mùa khô thì bụi bặm. Điều này đã gây ảnh hưởng phần nào đến việc triển khai chiến dịch IPV2 tại địa bàn xã. Trong khi đó, dân số các thôn vùng sâu vùng xa chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, theo tôn giáo đạo Tin lành. Ngày thường người dân đi rừng, đi rẫy, không có ở nhà. Các nhân viên y tế tại trạm phải thu xếp những ngày thứ 7, chủ nhật, tranh thủ khi người dân trở về nhà để đi lễ nhà thờ mới có thể gặp gỡ, tiếp xúc và vận động tiêm chủng, đồng thời thực hiện tiêm chủng ngoại trạm. Mặc dù điều kiện giao thông hết sức khó khăn nhưng nhân viên trạm y tế vẫn cố gắng vận chuyển vắc xin an toàn, đến từng hộ gia đình, vận động người dân cho con em tiêm chủng theo đúng lịch và thời gian quy định.

Tại trạm y tế xã Ea Pô - huyện Cư Jut, bác sĩ Trần Quốc Ngữ - Trạm Trưởng TYT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, được sự hỗ trợ của UBND xã và các ban, đoàn thể tại địa phương, chúng tôi đã thống kê số lượng đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thuộc chiến dịch, từ đó tổng hợp, lập danh sách thống kê số trẻ trong độ tuổi tiêm báo cáo lên cấp trên nhằm dự trù vắc xin và các vật tư y tế cần thiết. Đồng thời ban hành thư mời với nội dung cụ thể về thời gian, địa điểm… để người dân chủ động thu xếp đến điểm tiêm theo kế hoạch. Bên cạnh đó, để triển khai chiến dịch một cách hiệu quả, an toàn, thuận lợi cho cả nhân viên y tế và người dân có con em trong độ tuổi tiêm chủng, trạm y tế đã phân bố lịch tiêm chủng theo từng thôn, thông báo rộng rãi để người dân được biết và thực hiện. Hầu hết người dân trên địa bàn xã đều chấp hành tốt các hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại địa phương. Chiến dịch IPV1 đạt 170/180 trẻ; chiến dịch IPV2 đạt 32/48, cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Được biết xã Ea Pô có tổng dân số hơn 12.500 người. Những thôn xa nhất cách trạm y tế tới 20km. Tuy nhiên đường xá đi lại đã được Đảng, Nhà Nước quan tâm thực hiện bê tông hóa. Chính vì thế người dân tham gia tiêm chủng hết sức thuận lợi. Cũng theo bác sĩ Trần Quốc Ngữ, tại xã Ea Pô chỉ tồn tại một thực trạng là số lượng người dân trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn ở xa. Số lượng này chiếm tới hơn 2000 người. Hầu hết họ đi cả gia đình, nên tỉ lệ, chỉ tiêu tiêm chủng giảm theo. Thực trạng này gây khó khăn trong công tác thống kê, báo cáo số lượng đối tượng tiêm chủng và một số chỉ tiêu tại các chương trình khác. Gây ra một vài bất cập trong việc thực hiện tiêm chủng.

Chị Phan Thị Phượng - chuyên trách tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế Trúc Sơn -  huyện Cư Jut cho biết: tại xã Trúc Sơn có khoảng 90%  các bà mẹ có con nhỏ trên địa bàn đã đăng ký dịch vụ nhắn tin thông báo lịch tiêm chủng qua điện thoại. Khi xây dựng và triển khai chiến dịch tiêm IPV, trạm y tế đã thông báo cụ thể đến từng hộ dân đồng thời phối hợp với đội ngũ y tế thôn thông báo, mời người dân đến tiêm đúng thời gian, địa điểm quy định. Chính vì thế người dân đều phối hợp thực hiện nghiêm túc. Tổng số đối tượng tiêm IPV 2 tại  Trúc Sơn chỉ có 16 trẻ. Hiện tại, TYT đã tiêm chủng 15/16 trẻ, đạt tỉ lệ trên 98%. Toàn xã chỉ có hơn 3.000 người, dân cư chủ yếu tập trung ở dọc theo quốc lộ 14. Địa bàn rộng nhưng ít dân số nên số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm cũng ít nên sớm hoàn thành kế hoạch đề ra./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website