A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuân thủ quy định phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết ngày 23/5, lũy tích mắc bệnh Sốt xuất huyết trong  toàn  tỉnh là 261 trường hợp. Tăng 207 ca so với cùng kỳ năm 2022. Trong tuần 21, toàn tỉnh ghi nhận 09 ca mắc mới (Đăk R’Lấp: 04 ca, Đăk Mil: 03 ca, Tuy Đức: 01 ca, Gia Nghĩa: 01ca), tăng 01 ca so với tuần trước.

Muỗi là trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Hiện nay, địa bàn tỉnh đang bước sang giai đoạn mùa mưa. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển; làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua trung gian là muỗi.

 Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch bệnh, trong đó chú trọng các biện pháp vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường nhằm tiêu diệt, hạn chế nơi sinh sản của muỗi; phòng ngừa muỗi đốt và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến nghị của Bộ Y tế và ngành y tế địa phương.

Theo quy định tại khoản b, điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm Số 03/2007/QH12, ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc Hội, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm thuộc Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

Điều 8 của Luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

+ Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

+ Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

+ Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

+ Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...

Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị Định số 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, tại Điều 6 của Nghị định quy định:

 + Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

Tại Khoản 1, Điều 11 của Nghị định quy định: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Nghị định này.

Khoản 2 Điều 12 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

 + Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch;

Khoản 2 Điều 14 tại Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều thuộc Nghị định này./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website