A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ khám sàng lọc, phát hiện các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng còn thấp

Bệnh không lây nhiễm được xem là nhóm bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm nếu không khám sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc tại cộng đồng. Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm tăng mạnh tại nhiều địa phương, việc tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại cơ sở có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, điều trị, giảm rủi ro và gánh nặng gây ra bởi căn bệnh này.

Khám sàng lọc phát hiện các bệnh về mắt cho người dân trên địa bàn tỉnh

Mỗi năm, trên cả nước có khoảng 520.000 người tử vong, trong đó có gần 380.000 trường hợp liên quan đến bệnh lý không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp (THA), hô hấp mạn tính, đái tháo đường (ĐTĐ)... Các bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó có THA và ĐTĐ đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế, là gánh nặng của toàn xã hội. Các BKLN đang là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện (chiếm 77% gánh nặng bệnh tật), gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉ lệ người phát hiện bị tăng huyết áp được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt ≥ 50%, tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường được quản lý, điều trị trên tổng số bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện đạt ≥ 52%. 100% trạm y tế thực hiện dự phòng, quản lý điều trị bệnh THA và 88% trạm y tế thực hiện dự phòng, quản lý điều trị bệnh ĐTĐ.

Thực trạng chung của hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm hiện nay là tỷ lệ được khám sàng lọc, phát hiện thấp, số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng còn cao. Tỷ lệ quản lí điều trị các bệnh không lây nhiễm thấp, vẫn còn số lượng đáng kể bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn chuyên môn. Nguyên nhân chủ yếu do địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa, tình trạng dân di cư tự do ngày càng nhiều từ các tỉnh Tây Nam bộ và Tây Bắc bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình quản lý, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh. Môi trường sống và dịch tễ có nhiều phức tạp, trình độ dân trí thấp đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đói nghèo gắn liền với bệnh tật ở nhiều vùng dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng dân cư đa sắc thái văn hóa và ngôn ngữ, khó khăn khi tiếp cận để truyền thông, giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi, thói quen và thực hiện các dịch vụ y tế.

Phòng chống các BKLN được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trạm y tế hiện nay. Chính vì vậy, để nâng cao tỉ lệ khám sàng lọc, phát hiện các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí cho hoạt động này vẫn còn khá hạn hẹp nên việc truyền thông về phòng chống các BKLN chưa được chú trọng.

Một trong những khó khăn dẫn đến tình trạng tỉ lệ khám sàng lọc, phát hiện các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng còn thấp là các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm chưa đầy đủ nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm. Trạm y tế không có máy đo đường huyết mao mạch dẫn đến bệnh nhân không đến trạm y tế khám bệnh định kỳ. Công tác phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người có nguy cơ cao còn chưa triển khai một cách hệ thống, rộng khắp.

Thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm (THA và ĐTĐ) tại trạm y tế phụ thuộc vào nguồn đấu thầu của Trung tâm y tế huyện nên không đầy đủ cơ số thuốc theo phác đồ Bộ Y tế quy định.

Thời gian tới, để nâng cao tỉ lệ khám sàng lọc, phát hiện các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, các trạm y tế cần tăng cường công tác truyền thông cho người dân nhận biết tầm quan trọng và lợi ích của việc nhập hồ sơ sức khỏe của mình và khám sàng lọc BKLN. Truyền thông về tầm quan trọng của các BKLN từ đó biết cách phòng ngừa và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Hầu hết người dân đến sàng lọc đều được tư vấn và hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, khuyến khích vận động. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế, một số trạm y tế đã tầm soát 2 căn bệnh này. Do đó, người dân chủ động sàng lọc để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị sớm nếu có bệnh.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website