A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Văc xin - vũ khí hữu hiệu giúp loài người chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Vắc xin được xem là một loại vũ khí hữu hiệu, một thành tựu y học vĩ đại của loài người trong việc chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm chủng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể người được tiêm, từ đó sẵn sàng chống lại các loại virus, vi khuẩn, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nhờ có vắc xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng.

 

Hiện nay đã có 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh. Hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Tại Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 1981 và được mở rộng dần qua từng năm. Cho đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang cung cấp 12 loại vắc xin, phòng các bệnh như: lao, viêm gan B, ho gà, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, sởi… Mọi Trẻ em trong độ tuổi quy định đều có quyền được hưởng thụ các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nhờ Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm, Việt Nam đã bảo vệ được được hàng triệu trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. 

Lịch sử đã chứng minh vai trò quan trọng của văc xin đối với sự phát triển của nhân loại. Văc xin đã thực sự trở thành một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để giúp loài người chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều cá nhân có tư tưởng bài trừ vắc xin, tự khước từ quyền được bảo vệ của con trẻ trước nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc này không gây ra đau thương, mất mát cho cá nhân, gia đình người bệnh, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công cuộc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của cộng đồng.

Chính Phủ Việt Nam đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, nhằm giáo dục, răn đe, xử lý đối với những hành vi có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Theo điểm a, khoản 2, Điều 9 (quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế) Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, như sau: “phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.

Ngoài ra, việc không tuân thủ các quy định về tiêm chủng làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự.

Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người: đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hoặc những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; hoặc làm chết người.

 Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; hoặc làm chết hai người trở lên…./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website