WHO khuyến cáo: Các quốc gia cần hành động ngay để bảo vệ giới trẻ trước các chiến dịch quảng cáo của ngành công nghiệp thuốc lá
Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi và dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotine.
Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ, để thay thế cho hàng triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO Rudiger Krech cho biết ở một số quốc gia, người dân có thể tìm thấy thuốc lá được trưng bày gần gian hàng kẹo trong siêu thị, hay việc gặp nhân viên tiếp thị đi vào trường học để hướng dẫn trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thậm chí ở các nước đang phát triển, thuốc lá còn được phát miễn phí. Ngoài các dạng thuốc lá truyền thống, một dạng khác được mô tả là thuốc lá thế hệ mới được cho là nhắm vào giới trẻ đã ra đời như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…
Nhằm tìm kiếm người tiêu dùng thay thế cho các sản phẩm thuốc lá vốn đã khiến 8 triệu người chết sớm mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá mỗi giờ đã chi 1 triệu USD cho các hoạt động quảng cáo và tiếp thị sản phẩm của họ. Theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế thế giới, 44 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 13-15 đang hút thuốc lá, trong khi nhiều trẻ dưới 13 tuổi có thể được thêm vào danh sách này. Theo các chuyên gia, nếu điều này không thay đổi, một nửa số trẻ em và trẻ vị thành niên có thể chết vì khói thuốc.
"Ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của họ. Và hãy nhìn vào thuốc lá điện tử, có khoảng 15.000 hương vị và nhiều trong số đó thực sự hướng đến giới trẻ và trẻ em như vị vani, vị kẹo cao su, việt quất", ông Ruediger Krech Giám đốc Chương trình nâng cao sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới cho biết.
Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: “Hiện nay các tập đoàn thuốc lá trên thế giới đang đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo nhắm tới giới trẻ, thông qua việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như giới thiệu nhiều thiết kế "sành điệu", sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ những rủi ro với sức khỏe ".
Trong những tháng gần đây, ngành công nghiệp thuốc lá đã áp dụng chiến thuật mới nhắm tới thanh thiếu niên đó là lợi dụng đại dịch Covid-19 để bán thêm sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế, thuốc lá gây hại cho hệ thống miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Điều này đã được khẳng định bởi bác sĩ Nick Hopkinson – chuyên gia về hô hấp tại Imperial College London. "Bằng chứng là nhiều bệnh nhân hút thuốc nhiễm COVID-19 có kết quả không khả quan".
Trong bối cảnh số người trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của quảng cáo và sử dụng thuốc lá. Một loạt biện pháp dành cho các nước thành viên, từ việc cấm bán thuốc lá nơi công cộng, đến việc cấm bán thuốc lá trước cổng trường học hoặc nơi giới trẻ hay gặp gỡ và cấm quảng cáo thuốc lá, đã được đưa ra.
WHO cũng lưu ý các quốc gia thành viên của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) cấm "mọi hình thức quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá nhằm khuyến mãi một sản phẩm thuốc lá bằng bất kỳ phương thức gì gian dối, sai lệch, lừa bịp hoặc dễ tạo ra một ấn tượng sai lầm về tính chất, tác động đối với sức khoẻ, các tác hại hoặc sự toả khói thuốc”.
WHO nhấn mạnh rằng việc giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại có trong các sản phẩm thuốc lá nung nóng (HTPs) không có nghĩa chúng vô hại hay chúng giảm nguy hại đến sức khỏe. Theo Who, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe và việc thực hiện nghiêm ngặt Công ước sẽ hỗ trợ cho việc cai nghiện thuốc lá và hạn chế sự bắt đầu hút thuốc lá ở người chưa từng sử dụng sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là giới trẻ.
Tổ chức Y tế thế giới WHO, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bới các quảng cáo gây nhầm lần rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh. Những người có tầm ảnh hưởng xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, trên các trang mạng xã hội, trong gia đình, tại trường học, những người có khả năng tiếp cận và kết nối với giới trẻ hãy cùng tham gia các hoạt động để chỉ rõ các chiến thuật trong việc nỗ lực tạo ra một thế hệ người hút thuốc lá mới của ngành công nghiệp thuốc lá. |