A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác đa ngành trong phòng chống bệnh dại

Sáng 18/7/2023, tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên (VSDTTN) tổ chức Hội thảo tăng cường sự cam kết của Chính quyền và hợp tác đa ngành trong phòng chống bệnh dại.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có TS. Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo có đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng, Cục thú y,...; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các huyện, TP, Chi cục chăn nuôi và thú y... thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.

TS. Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chủ trì hội thảo

 Những năm gần đây, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam được chú trọng. Trong 5 năm qua bệnh dại đã làm chết 410 người, khiến trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 6 tháng đầu năm 2023 đã có 43 ca tử vong do bệnh dại. 100% số ca tử vong dại do không tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Tại Đắk Nông từ 2017-7/2023 ghi nhận 22 ổ dịch bệnh dại trên động vật (chó). Tính từ năm 2017-5/2023 tổng số người bị phơi nhiễm trên toàn tỉnh là 4.688 người, ghi nhận 07 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ 0,15%. Về công tác tiêm vắc xin phòng dại cho người: 8/8 huyện, thành phố đã có điểm tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại; tính đến 6/2023 trên toàn tỉnh ghi nhận 1.670 mũi tiêm, tăng 514 mũi so với cùng kỳ năm 2022 (1.156 mũi).

Quang cảnh hội thảo

Hiện nay, Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm điều tra và xử lý ổ dịch dại trên người và động vật; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh Dại…

Tại hội thảo, các đại biểu được cập nhật, hướng dẫn các giải pháp nhằm kiểm soát bệnh Dại trên đàn chó, mèo, vật nuôi;  hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh dại ở người và chất lượng các điểm tiêm vắc xin phòng dại; các giải pháp phòng chống bệnh dại; phối hợp liên ngành; đào tạo tăng cường năng lực giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch dại; thực hành chính sách pháp luật phòng bệnh...

Các đại biểu của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tham dự hội thảo

Theo các chuyên gia, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng chống được nếu được phát hiện sớm, xử lý sớm đúng theo khuyến cáo. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, hướng đến mục tiêu quản lý được 70% số vật nuôi; tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và trên 90% trong giai đoạn 2026-2030. Đối với công tác phòng chống bệnh dại ở người: mục tiêu 100% các quận, huyện có điểm tiêm vắc xin Dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% các tỉnh, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học; 100% số người tiêm vắc xin phòng dại được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh Dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm./.


Tác giả: Văn Tiến

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website