A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh dại

Theo báo cáo của tổ chức Thú Y thế giới OIE/WOAH, từ 01/01/2021 - 22/03/2024 thế giới ghi nhận 1.411 ổ dịch bệnh dại động vật xảy ra ở 156 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ đầu năm 2023 đến 22/03/2024 ghi nhận khoảng 316 ổ dịch Dại động vật tại 116 quốc gia thuộc 05 châu lục Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại dương và Châu Âu. Khu vực Đông Nam Á ghi nhận dịch bệnh tại 09 quốc gia, bao gồm: Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/03/2024, cả nước đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 16/63  tỉnh, thành phố. Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại trên 143.000 người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (09 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca).

Trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng

giảm ở các tỉnh có nguy cơ cao, nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh có nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Trong đó, 100% số ca tử vong do không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Một số nguyên nhân chủ yếu khiến cho dịch bệnh dại gia tăng là do tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng còn ở mức rất thấp, người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng bệnh. Bên cạnh đó, Công tác quản lý vật nuôi của một số địa phương còn lòng lẻo; tình trạng thả rông vật nuôi còn phổ biến; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác phối hợp liên ngành ở một số địa phương còn rất hạn chế.  

Để kiểm soát, tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, ngày 21/4/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại. Trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng bao gồm: khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, báo cáo dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật;  tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật…

 Tại Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, ngành y tế đang từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc nhập và kiểm định vắc xin nhằm đảm bảo đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người dân; tham mưu xem xét hỗ trợ miễn phí vắc xin cho người nghèo, dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.

 Cũng theo Thứ trưởng, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành, có tác động lớn đến sức khỏe người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người nói chung và dịch bệnh dại nói riêng không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành Y tế mà cần có sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, thường xuyên và chặt chẽ. Do đó, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội; quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó có dịch bệnh do virut dại gây ra./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website