A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới dinh dưỡng tại xã nông thôn mới/nông thôn mới

Để đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi): đạt ≤ 26,5% ( đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo) và đạt ≤ 24% (đối với các xã còn lại). Xây dựng thôn nông thôn mới thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã phải có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên hoạt động cùng với tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) đạt ≤30%. Trong các hoạt động can thiệp nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi thì việc củng cố và nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng tại cộng đồng được xem là yếu tố then chốt.

Trạm y tế tổ chức cân đo cho trẻ vào tháng 6 và 12 hàng năm

Mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng cơ sở cần phải được củng cố đảm bảo các tuyến huyện/xã đều có chuyên trách dinh dưỡng và mỗi một thôn/bản có ít nhất 1 cộng tác viên dinh dưỡng hoặc y tế thôn bản phụ trách. Nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống mạng lưới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai tập huấn nâng cao chất lượng mạng lưới, căn cứ theo điều kiện thực tế và năng lực của cán bộ cơ sở để có kế hoạch tập huấn cho phù hợp. Nội dung tập huấn bao gồm: Cập nhật chuyên môn dinh dưỡng, chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, bổ sung đa vi chất, truyền thông giáo dục dinh dưỡng, giám sát, theo dõi thực hiện chương trình...

Đội ngũ mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng tại cộng đồng làm nhiệm vụ theo dõi tăng trưởng, phát triển và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi. Các thiết bị phục vụ cho công việc như cân, thước đo chiều cao, thước đo vòng cánh tay sẽ được cung cấp cho trạm Y tế và cộng tác viên/y tế thôn bản để thực hiện cân đo và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Những bà mẹ có con dưới 2 tuổi sẽ được cấp và hướng dẫn sử dụng biểu đồ để theo dõi tăng trưởng của trẻ. Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) các thể (thể thấp còi, nhẹ cân, gầy còm) được theo dõi tình trạng dinh dưỡng (cân nặng, chiều cao và chu vi vòng cánh tay) hàng tháng. Trẻ em dưới 2 tuổi không SDD được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng quý (3 tháng/lần). Trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi không bị SDD sẽ được theo dõi tình trạng dinh dưỡng 6 tháng/lần.

Vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm và trẻ 24 - 59 tháng tuổi sẽ được tẩy giun định kỳ 2 lần/năm. Phụ nữ mang thai cần bổ sung viên sắt/đa vi chất hàng ngày. Việc bổ sung được bắt đầu từ khi phát hiện mang thai cho đến 1 tháng sau sinh. Trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc thuộc gia đình đặc biệt khó khăn có bổ sung gói đa vi chất dinh dưỡng dành cho trẻ em. Thành phần viên sắt/đa vi chất cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em được sản xuất theo nhu cầu khuyến nghị (theo Hướng dẫn quốc gia phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được ban hành theo Quyết định số 4944/QĐ-BYT ngày 27/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Thông qua các hoạt động triển khai tại Trạm y tế có đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và người nhà, cán bộ Trạm y tế sẽ lồng ghép đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp. Cung cấp tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông phòng chống thấp còi: Phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng thấp còi được cấp tài liệu truyền thông giáo dục dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi (nếu có). Tổ chức chiến dịch truyền thông giáo dục dinh dưỡng: Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong các ngày: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6); Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10) và Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (1-7/8). Triển khai truyền thông lồng ghép hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong các chiến dịch khác.

Như vậy, có thể nói, chính đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại cơ sở được xem là một trong những yếu điểm trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em không chỉ là trách nhiệm riêng ngành Y tế, mà điều quan trọng là phải huy động mọi nguồn lực cùng tham gia, đưa công tác này trở thành một hoạt động xã hội với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có như vậy, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn mới từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại mỗi địa phương.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website