Kế hoạch phát triển ngành Dược tỉnh Đăk Nông giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Mục đích của kế hoạch là nhằm cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới. Kế hoạch cũng đồng thời xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược tỉnh nhà. Thông qua kế hoạch, xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, ngành trong từng hoạt động cụ thể để thực hiện các mục tiêu chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược nước nhà giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh nhà.
Theo đó, mục tiêu thực hiện kế hoạch là nhằm đảm bảo cung ứng thuốc chủ động, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu trong tỉnh; phát triển vùng trồng dược liệu quý có giá trị cao, tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Trong đó, UBND tỉnh xác định, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế trong năm: Bệnh viện tuyến tỉnh đạt thấp nhất là 70%; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đạt thấp nhất là 80%. Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP). 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm Y tế các huyện, thành phố phải tuân thủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày. 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%. Tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Định hướng đến năm 2045, toàn tỉnh tiếp tục đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; công tác kiểm soát chất lượng thuốc, phân phối thuốc, dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược tiếp tục được nâng cao hiệu quả thực hiện. 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm Y tế các huyện, thành phố phải tuân thủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định. Tiếp tục phát triển vùng trồng dược liệu tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Để triển khai thành công và có hiệu quả kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức triển khai Kế hoạch đến các ngành, các cấp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, dự án đầu tư phát triển ngành Dược. UBND tỉnh cũng chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Y tế cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu cho tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dược liệu, thuốc sản xuất từ dược liệu lưu hành trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thuốc từ dược liệu đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch. Mặt khác, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin và tuyên truyền trọng tâm kế hoạch một cách rộng rãi trong quần chúng nhân dân.