A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp dự phòng bệnh đậu mùa khỉ cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vừa ban hành công văn yêu cầu trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp dự phòng bệnh Đậu mùa khỉ cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật yêu cầu các đơn vị triển khai hướng dẫn, phổ biến các biện pháp dự phòng bệnh Đậu mùa khỉ liên quan đến các nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV/AIDS đồng thời lồng ghép triển khai các biện pháp dự phòng bệnh đậu mùa khỉ vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh đậu mùa khỉ.

Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 13/10, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã ban hành hướng dẫn triển khai hoạt động dự phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, trong đó nêu rõ đặc điểm, tình dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới và trong nước; nguy cơ lây nhiễm trong các nhóm nguy cơ cao; các biện pháp dự phòng và phương thức thực hiện công tác dự phòng lồng ghép với HIV/AIDS.

Bệnh Đậu mùa khỉ (monkeypox) là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu tại Copenhaghen, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ. Trường hợp nhiễm đầu tiên trên người được xác định vào năm 1970 tại Cộng hòa dân chủ Công – gô. Năm 2003 đã có một đợt bùng phát ngoài phạm vi Châu Phi. Trường hợp đầu tiên nhiễm đậu mùa khỉ trong đợt dịch gần đây được phát hiện ở Anh Quốc vào ngày 06/5/2022. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0- 11% nói chung và tỷ lệ này còn cao hơn đối với trẻ nhỏ. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), tỷ lệ tử vong của bệnh Đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm vi rút Đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến cuối tháng 9/2023, toàn cầu đã có hơn 90.618 ca bệnh và gần 200 ca tử vong do đậu mùa khỉ. Tính đến ngày 5/10/2023, Việt Nam đã ghi nhận 09 trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ trong đó tập trung ở khu vực miền Nam và trong đó có các trường hợp ghi nhận nhiễm HIV và có hành vi quan hệ tình dục đồng giới.

Cũng theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đặc điểm của những người mắc bệnh đậu mùa khỉ như sau: 97,5% ca bệnh là nam; 79% từ 18-44 tuổi; Trong số những người báo cáo về lịch sử tình dục, 90% là nam có quan hệ tình dục đồng giới. Trong số những người mắc Đậu mùa khỉ và biết kết quả xét nghiệm HIV, gần 50% là có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website