A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế tỉnh Đăk Nông ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngành Y tế tỉnh Đăk Nông ứng phó với biến đổi khí hậu 05/07/2019 Trong những năm qua, Việt Nam đã có một số ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Theo công bố của Bộ Tài Nguyên và môi trường, vào cuối thế kỷ 21 xu thế chung của biến đổi khí hậu ở Việt Nam sẽ là nhiệt độ ở các vùng phía bắc tăng nhanh hơn ở các vùng phía nam. Nhiệt độ các vùng ven biển tăng chậm hơn các vùng sâu hơn trong lục địa. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng dự đoán nhiệt độ có thể tăng tối đa từ 4,0oC đến 4,5oC và tối thiểu là 2,0oC đến 2,2oC.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đăk Nông nói riêng, trong tương lai trên địa bàn tỉnh Đăk Nông sẽ phải chịu những tác động của thay đổi thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ trung bình mỗi năm sẽ tăng dần, mùa nóng sẽ trở nên nóng hơn, mức độ khô hạn trong mùa khô sẽ khốc liệt hơn. Mùa mưa sẽ có nhiều mưa lớn dẫn đến các thảm họa như lũ quét tại các vùng núi và vùng trũng hạ lưu sông Đồng Nai, trong đó có huyện Krông Nô. Sau thiên tai do biến đổi khí hậu sẽ kéo theo những hệ lụy đi kèm, môi trường bị xáo trộn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Đây là điều kiện thuận lợi bùng phát các dịch bệnh về đường tiêu hóa và đặc biệt là gia tăng sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết.

Trước tình hình đó, Ngành Y tế tỉnh Đăk Nông đã xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Ngành sẽ triển khai đầy đủ các chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác ứng phó biến đổi khí hậu, lồng ghép các giải pháp chỉ đạo toàn diện của ngành Y tế. Đảm bảo 100% các văn bản của chính phủ, Bộ Y tế về công tác ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai đầy đủ trong tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, cụ thể hóa bằng hoạt động lồng ghép trong chương trình sức khỏe môi trường, cộng đồng, bảo vệ môi trường trong các cơ sở khám chữa bệnh, giải pháp phòng chống dịch bệnh, đầu tư trang thiết bị và công trình y tế, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng...

Ngành cũng chú trọng nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở. Trong đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có ít nhất 80% cơ sở xây mới có áp dụng giải pháp nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và 70% trạm Y tế tại các địa phương dễ bị ảnh hưởng có năng lực và cơ sở vật chất đáp ứng hiệu quả các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan.

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển và an ninh toàn thế giới là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai và “hiện tượng thời tiết cực đoan” như làm tăng tần suất và cường độ bão, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và nước biển dâng...đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong thế kỷ 21 và tác động tới tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, trong đó, sẽ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm do côn trùng (như sốt rét, sốt xuất huyết) và các bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm. Theo đánh giá của tổ chức y tế thế giới, biến đổi khí hậu sẽ làm 250.000 người chết/năm trong giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050. Trong đó, dự đoán khoảng 38.000 người cao tuổi tử vong vì nhiệt độ cực đoan, 48.000 người tử vong vì bệnh tiêu chảy, 60.000 người mắc sốt rét và 95.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website