A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêm chủng mở rộng không đạt tiến độ do thiếu vắc xin

Đánh giá kết quả công tác tiêm chủng mở rộng 9 tháng đầu năm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ <1 tuổi và tiêm các mũi chỉ đạt tỷ lệ 45,8% chưa đạt tiến độ yêu cầu (71,3%/9 tháng). Cả 08/8 huyện/thành phố chưa đạt tiến độ về tiêm chủng mở rộng. Thiếu vắc xin là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc không đạt chỉ tiêu, kế hoạch tiêm chủng mở rộng.

9 tháng đầu năm, tỷ lệ trẻ 18-24 tháng tuổi tiêm vắc xin Sởi-Rubella (MR) đạt 60,4% và vắc xin Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván (DPT4) đạt 31,6%, chưa đạt tiến độ đề ra (MR là 71,3%/9 tháng và DPT4 là 67,5%/9 tháng). Tương tự, tỷ lệ tiêm Viêm não nhật bản (VNNB) 2 mũi (mũi 1, mũi 2) cho trẻ 1 tuổi và  VNNB mũi 3 cho trẻ không đạt tiến độ yêu cầu (63,5%/67,5%/ tiến độ yêu cầu cần đạt). Mũi tiêm UV2+ cho phụ nữ có thai đạt tiến độ yêu cầu 66,6%/ tiến độ yêu cầu cần đạt là 63,8%/9 tháng, tuy nhiên vẫn còn 2/8 huyện chưa đạt tiến độ (Đắk G’Long 62,7% và Tuy Đức 63,4%).

Bác sĩ Nguyễn Đức Tiến – Phụ trách chương trình Tiêm chủng mở rộng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, hiện toàn tỉnh đã thiếu nguồn cung một số loại vắc xin trong chương trình TCMR. Cụ thể, từ tháng 12/2022, thiếu vắc xin SII DPT-VGB-Hib (5 trong 1), đến tháng 4/2023 thiếu vắc xin DPT và kể từ tháng 8/2023 thì thiếu các loại vắc xin Sởi, Sởi-Rubella và OPV (Vắc xin Bại liệt đường uống). Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu đề ra trên toàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

Bác sĩ Tiến cũng lý giải việc thiếu vắc xin là do nguồn cung ứng trong năm 2023 bị gián đoạn do chủ trương chuyển từ Trung ương về địa phương cung ứng, đảm bảo. Tuy nhiên ngày 10/07/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó trong năm 2023 và 6 tháng gối đầu năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua vắc xin tiêm chủng mở rộng cho tất cả các địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Với chủ trương này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ trì tham mưu Sở Y tế đăng ký nhu cầu vắc xin phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 6 tháng gối đầu năm 2024 dựa trên tổng hợp nhu cầu từ các huyện/thành phố trên toàn địa bàn. Trong thời gian chờ được cung ứng bao phủ, nhu cầu tiêm chủng mở rộng một số loại vắc xin tại các địa phương trên toàn tỉnh bị gián đoạn dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trong TCMR.

Ngoài tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi không đạt, hiện còn một số chỉ tiêu chuyên môn về TCMR năm 2023 khả năng không đạt kế hoạch đề ra, như tỷ lệ huyện/thành phố duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 08 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi theo quy mô xã, phường, thị trấn

Còn nhiều lý do khách quan tuy nhiên không thể phủ nhận nguyên do từ một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêm chủng phòng bệnh. Vẫn còn tư tưởng xem nhẹ, bài trừ tiêm phòng vắc xin, nhất là người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đăk Nông có diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân cư thưa, sống rải rác ở các vùng xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn; một số đồng bào di cư từ phía Bắc vào sinh sống ở vùng sâu vùng xa, không khai báo khi chuyển đến địa phương sinh sống, cư trú, do đó việc tiếp cận, quản lý các đối tượng tiêm chủng rất khó khăn, thậm chí nhiều nơi cơ quan chức trách không biết để quản lý.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó không thể không có tiêm chủng mở rộng. Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được triển khai toàn quốc từ năm 1985. Trải qua gần 40 năm hoạt động, chương trình đã đạt được những thành tựu to lớn, khẳng định giá trị của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhờ thực hiện tốt việc tiêm chủng mở rộng đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật của trẻ em Việt Nam. Bệnh bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000; bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ năm 2005; các bệnh bạch bầu, ho gà, sởi giảm một cách rõ rệt.

Tại Đắk Nông, trước khi xảy ra thực trạng thiếu vắc xin, hoạt động Tiêm chủng mở rộng được triển khai đầy đủ, rộng khắp tại tuyến tỉnh, huyện và 71 xã phường, thị trấn và 01 Trung đoàn (Trung đoàn 720 thuộc xã Đăk Ngo – Tuy Đức); nhân lực và trang thiết bị cơ bản đáp ứng tốt cho công tác TCMR trên khắp địa bàn. Để gỡ khó cho những tồn tại gặp phải, thời gian qua Sở Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như chỉ đạo các đơn vị Y tế các địa phương rà soát, điều tra, quản lý đầy đủ đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng; quản lý, nắm chắc từng phụ nữ mang thai, dự kiến ngày sinh của các thai phụ đến từng thôn, bản đồng thời cập nhật các trẻ dưới 1 tuổi theo cha mẹ từ nơi khác chuyển đến địa phương sinh sống qua đó thống kê và quản lý các đối tượng chưa được tiêm chủng trong thời gian thiếu vắc xin để sẵn sàng triển khai tiêm vét khi vắc xin được cung ứng trở lại. Mở rộng các điểm tiêm chủng lưu động tại các vùng khó khăn, khó tiếp cận, vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp…để người dân dễ dàng, thuận tiện tham gia tiêm chủng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, đề nghị các địa phương đưa hoạt động Tiêm chủng mở rộng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ đó có sự tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở những vùng lõm.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website