A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế nỗ lực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 5349/QĐ-BYT về Phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (Electronic Health Record - EHR) với mục tiêu là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu Y  tế quốc gia. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông bằng nhiều giải pháp, đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm phủ sóng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên toàn địa bàn.

Ảnh minh hoạ

Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, từ đó chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc các thông tin tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với cán bộ y, bác sỹ, hồ sơ sức khỏe điện tử của bệnh nhân cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có những đánh giá, nhận định về sức khỏe của người bệnh một cách toàn diện, qua đó giúp chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác. Việc phát hiện bệnh sớm giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn, khả năng rút ngắn thời gian và mang lại hiệu quả cao hơn đồng thời giảm bớt chi phí chữa bệnh của mỗi người dân. Trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp lưu thông, hiển thị các thông tin sức khỏe trước đây của người bệnh từ đó tạo điều kiện giúp đơn vị tuyến trên chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu là những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học về sức khỏe của người dân. Thông qua cơ sở dữ liệu này, trên cơ sở tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp các nhà quản lý xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Tỉnh Đăk Nông, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, công tác này còn nhiều khó khăn và chưa đạt được tiến độ kỳ vọng, trong đó một phần do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19. Năm 2023, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2023-2025 với 05 mục tiêu cơ bản, trong đó tập trung vào một số chỉ tiêu như:  95% người dân trên toàn địa bàn được xây dựng h sơ quản lý sức khoẻ từ lúc mới sinh cho đến lúc mất để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; 100% cán bộ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại 71 xã/phường/thị trấn nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường; Ít nhất 90% người dân trên địa bàn được thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa và quyền lợi khi được quản lý sức khỏe bằng h sơ sức khỏe điện tử.

Bà Tôn Thị Kim Kiều – Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) cho biết: Trung tâm KSBT được giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử của toàn ngành. Thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc lập HER; tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn chuyên môn về sử dụng phần mềm và nhập liệu thông tin cho cán bộ và đội ngũ cộng tác viên y tế cơ sở; tăng cường khám, phát hiện cộng đồng, đưa vào quản lý bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính …

 Bằng nhiều giải pháp đồng bộ nói trên, ngành Y tế sẽ thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân để mỗi người đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi khám, chữa bệnh; được theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khoẻ gắn với bảo hiểm y tế toàn dân. Thông qua EHR sẽ góp phần khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch và đái tháo đường.

 


Tác giả: Hà Dương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website