A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TTYT huyện Đăk Mil: Nỗ lực tạo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh về mắt

Được sự đầu tư của Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện, sự quan tâm của Sở Y tế, sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện đa khoa tỉnh, 2 năm qua, hoạt động khám chữa bệnh về mắt tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Mil đã có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo người dân đến khám và điều trị, qua đó tạo sự công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh về mắt cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách từ huyện đến xã

Phòng khám mắt Trung tâm Y tế huyện Đăk Mil có đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu như bộ mổ quặm, bộ nong thông bơm rửa lệ đạo, đèn tiểu phẫu, bộ mỗ mộng, kính soi đáy mắt, bàn ghế xoay tiểu phẫu, đèn soi bóng đồng tử và thước Parent .v.v… Nhân lực phòng khám mắt hiện có đủ chuyên môn cần thiết như bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa Mắt, kỹ thuật viên mài lắp kính, kỹ thuật viên đo khúc xạ. Trải qua thời gian dài hoạt động cầm chừng và hầu như không đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, đến nay, phòng khám mắt Trung tâm Y tế huyện Đăk Mil đã độc lập triển khai thành công các dịch vụ kỹ thuật về mắt. Điều này đem lại ý nghĩa vô cùng lớn, tạo bước phát triển vượt bậc trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện Đăk Mil nói chung, đối với lĩnh vực chăm sóc mắt nói riêng.

Có được kết quả này là nhờ vào sự đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt của Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ Úc. Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021, đến nay, các nội dung đầu tư của Dự án về cơ bản đã hoàn tất và đưa vào ứng dụng thực hiện tại Trung tâm. Từ sự hỗ trợ về kinh phí của Dự án, hàng năm, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên trách từ huyện đến xã, bao gồm đào tạo hướng dẫn chuyên môn về kỹ thuật phẫu thuật và đào tạo giảng viên nguồn (TOT) về chăm sóc mắt và kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế. Thông qua các lớp đào tạo này đã góp phần củng cố, cập nhật kiến thức, kỹ năng khám, chữa bệnh, tư vấn và chăm sóc mắt hiện đại cho lực lượng y bác sỹ tại trung tâm Y tế cũng như đội ngũ chuyên trách tại cơ sở.

Bên cạnh nguồn nhân lực được kiện toàn về số lượng và chất lượng, hệ thống  trang thiết bị cũng được đầu tư đáp ứng nhu cầu khám, điều trị các bệnh lý thông thường về mắt như cườm khô, cườm nước, tật khúc xạ, mộng/quặm, chấn thương mắt do lao động, sinh hoạt v.v…

Điều dưỡng Lê Thị Thùy Linh cho biết: “Từ khi được Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện đầu tư nhiều thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị, hoạt động của Phòng khám Mắt như được hồi sinh. So với trước đây, do thiếu thốn cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, hoạt động Phòng khám chỉ cầm chừng ở khâu tư vấn, hướng dẫn thì nay đội ngũ nhân viên chúng tôi có cơ hội tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân. Đó là điều hạnh phúc nhất của một cán bộ y tế khi được phục vụ và cống hiến cho nghề”.

Bệnh nhân chờ khám mắt tại phòng khám TTYT huyện Đăk Mil

Tính từ đầu năm đến nay, Phòng khám mắt đã có hơn 800 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó số bệnh nhân điều trị ngoại trú là 379 người; có 85 bệnh nhân được chuyển tuyến vì phát hiện các bệnh lý mắt phức tạp. Đơn vị cũng đã tiến hành 108 lượt phẫu thuật, thủ thuật khi điều trị cho bệnh nhân. Ngoài công tác khám và điều trị thường quy, hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ chuyên môn cũng được chú trọng nhằm nỗ lực giúp các bệnh nhân được thụ hưởng những dịch vụ, quyền lợi cao nhất tại địa phương. Trung tâm đã tiến hành 32 lượt hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp, nguy hiểm; tổ chức gần 2.000 lượt truyền thông, phổ biến kiến thức và giáo dục sức khỏe về mắt cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và trong khi tiếp xúc tại cộng đồng.

Nhiều người đến khám mắt tại Trung tâm Y tế Đăk Mil có hoàn cảnh khó khăn nên được khám, điều trị bệnh ngay tại địa phương đã tạo điều kiện giúp các bệnh nhân giảm bớt chi phí, thời gian rất nhiều so với việc phải đi lên tuyến trên. Bệnh nhân Nguyễn Văn N, 65 tuổi, nhà ở tại khu phố 9, Thị trấn Đăk Mil, huyện Đăk Mil trong 1 lần đi cắt cỏ đã bị cành cây dại bắn vào mắt làm rách mí gây đau đớn, chảy máu nhiều và dị vật tổn thương nhãn cầu. Lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện. Tại đây các y, bác sỹ tiến hành cấp cứu, cầm máu và xử lý vết thương cơ học kịp thời nên đã giúp bệnh nhân tránh được các nguy cơ trở nặng nguy hiểm hoặc các biến chứng phát triển thêm.

Hoạt động phòng khám mắt Trung tâm Y tế Đăk Mil trong gần 2 năm qua đã giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường của người dân trên địa bàn, góp phần giải quyết tình trạng chuyển tuyến không đáng có qua đó giúp người dân giảm bớt các chi phí, khó khăn khi đi khám, chữa bệnh. Đó cũng là cách tạo ra sự công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế đối với mọi tầng lớp nhân dân mà Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện hướng tới. Bà Hà Thị Nguyệt Minh, Quản lý Dự án Quỹ Fred Hollows tại Việt Nam cho biết: Mục tiêu của Dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện” là giúp cải thiện sự công bằng tới các dịch vụ chăm sóc mắt đối với các cộng đồng dân cư ở các huyện khó khăn của 03 tỉnh trong cả nước là: Hòa Bình, Đăk Nông và Bến Tre, từ đó sẽ thúc đẩy việc áp dụng mô hình chăm sóc mắt trên phạm vi toàn quốc. Nhiệm vụ của Dự án là tập trung vào 4 mục tiêu chính, bao gồm: Phối hợp với các địa phương để đảm bảo dịch vụ chăm sóc mắt sẵn có của dự án được triển khai trên địa bàn của dự án; đảm bảo sự tham gia, tính tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc mắt đối với những cộng đồng dân cư yếu thế, những nhóm thiểu số trong xã hội; tăng cường chất lượng chăm sóc mắt ở trên địa bàn của các huyện Dự án. Mục tiêu cuối cùng là mô hình chăm sóc mắt đang thực hiện thí điểm tại 03 huyện sẽ là tài liệu hóa được sử dụng để làm bằng chứng cho các đơn vị học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh cũng như các huyện trên phạm vi toàn quốc.

Một đôi mắt khỏe mạnh được ví như sự giàu có về vật chất và năng lượng tinh thần của mỗi con người. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” hay “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” vốn là những câu ví mà dân gian vẫn thường nhắc đến để nói lên tầm quan trọng của đôi mắt. Có đôi mắt sáng và khỏe mạnh là có đủ sự giàu có về tinh thần và cơ hội phát triển vật chất của mỗi con người. Vậy nên, mục tiêu đầu tư, phát triển, mở rộng công tác khám, chữa bệnh về mắt cho mọi tầng lớp nhân dân mà Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt triển khai tại huyện Đăk Mil nói riêng, tỉnh Đăk Nông nói chung càng mang ý nghĩa to lớn, vượt ra ngoài ý nghĩa chăm sóc sức sức khỏe thông thường của con người.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website