A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng 17/11/2020 Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch từ các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường lây lan và bùng phát mạnh từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Năm 2020, trong bối cảnh có nhiều bệnh dịch cần phòng chống như: Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết… để tránh tình trạng nhiều dịch bệnh cùng bùng phát, gây ra hiện tượng “dịch chồng dịch”, Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Thường xuyên rửa tay là biện pháp hữu hiệu phòng chống bênh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, xuất hiện phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông v.v… Tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh ghi nhận 352 ca bệnh, tăng 105 ca so với cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Đắk Song, Cư Jut, Đắk R’lấp…Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh tối ưu là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ em trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo và tiểu học..

Đắk Song là một trong những địa phương tập trung số ca mắc tay chân miệng cao (hơn 40 ca từ đầu năm đến nay). Với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”, không để tình trạng “dịch chồng dịch” xảy ra trên địa bàn, TTYT Đắk Song đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình nhằm nâng cao nhận thức người dân, nhà trường, người nuôi dạy trẻ về các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng. TTYT Đắk Song cũng đã thành lập các đội cấp cứu lưu động, các đội chống dịch lưu động để kịp thời ứng phó tình huống dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Theo ghi nhận, đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trở nặng là do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà. Do vậy, việc nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da… Người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế  ngay khi thấy các triệu chứng như: Bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống, bú ít và chảy nước bọt nhiều); bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, gối.

Tại trường Mầm non Hoa Mai, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Với hơn 350 học sinh, thuộc 7 phân hiệu, việc phòng chống bệnh tay chân miệng cho học sinh cũng cần sự nỗ lực gấp bội. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã đôn đốc đến từng phân hiệu để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cho học sinh bằng  cách: hướng dẫn các em rửa tay bằng xà phòng đúng cách; cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thường xuyên khử khuẩn môi trường lớp học, đồ dùng dạy học, đồ chơi v.v… Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên theo dõi sát sao sức khỏe của từng em học sinh, phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh để báo cáo với cơ sở y tế nhằm hạn chế lây lan cho trẻ khác. Nhờ làm tốt những hoạt động trên, đến nay trường Mầm non Hoa Mai vẫn chưa ghi nhận ca bệnh tay chân miệng nào.

Tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận Hạnh – việc rửa tay bằng xà phòng là một việc làm không thể thiếu khi học sinh đến trường. Tuy trẻ học tiểu học không phải là độ tuổi thường mắc tay chân miệng, nhưng nhà trường vẫn không chủ quan, lơ là. Các hoạt động khử khuẩn, lau chùi bàn ghế, dụng cụ học tập, đầu tư các khu vực rửa tay không chỉ giúp phòng chống tay chân miệng mà còn là biện pháp để phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác.

Đối với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng được bác sĩ cho phép điều trị tại nhà thì cần được nghỉ ngơi, tránh kích thích, ăn thức ăn lỏng, chia nhỏ làm nhiều bữa; vệ sinh răng miệng, thân thể và hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol, dùng thêm kháng sinh nếu có bội nhiễm. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ sốt cao hoặc nôn ói nhiều kèm theo giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, quấy khóc nhiều, mệt mỏi thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Biến chứng của bệnh TCM là viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các biến chứng này thường diễn tiến rất nhanh và gây tử vong cao có thể trong vòng 24 giờ. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất là điều rất cần thiết.

Hiện đang là thời gian cao điểm bùng phát của bệnh tay chân miệng. Để phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả, mỗi cá nhân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đặc biệt vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ… Cần phải ăn chín, uống sôi; đảm bảo nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn lau, dụng cụ ăn uống. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website