A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Rất cần sự đồng hành của người thân bệnh nhân trong “hành trình” điều trị lao kháng thuốc

Lao kháng thuốc là việc bệnh nhân “nhờn” thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với thông thường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới xuất hiện khoảng gần 500.000 trường hợp lao đa kháng, trong đó 5-7% là lao siêu kháng.

Lao kháng thuốc rất nguy hiểm

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, được bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016 thì bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.  Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định ở trên.

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm. Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc tốn kém rất nhiều lần so với bệnh lao thông thường. Hiện tại, thuốc điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc được Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Ngoài ra, Quỹ cũng hỗ trợ kinh phí một số xét nghiệm cơ bản trong quá trình điều trị bệnh.

Lao kháng thuốc được ghi nhận hầu hết là bệnh nhân đã từng mắc bệnh lao,  nhưng không tuân thủ phát đồ điều trị nghiêm ngặt hoặc tự ý bỏ điều trị. Có một vài trường hợp đã từng mắc lao trước đây và tái phát trở lại trong tình trạng kháng thuốc. Các biểu hiện của lao kháng thuốc cũng giống như bệnh lao thông thường (không kháng thuốc), không có biểu hiện gì đặc trưng để nhận biết. Chỉ phát hiện được bệnh lao kháng thuốc qua quá trình điều trị và bằng các xét nghiệm chuyên biệt.

Xuất hiện bệnh nhân lao kháng thuốc bỏ trị

Tuyên truyền vận động gia đình bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị lao kháng thuốc

Vừa qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã nhận được báo cáo của Trạm y tế xã Đăk Rmăng và Trung tâm Y tế huyện Đăk G’Long về trường hợp có một bệnh nhân bị lao, kháng thuốc bỏ trị. Đây là bệnh nhân V.T.V, sinh năm 1956, trú tại thôn 5, xã Đăk Rmăng. Bệnh nhân bắt đầu được điều trị giai đoạn đầu từ ngày 02/7 đến ngày 15/7/2020 tại Bệnh viện Lao phổi Đăk Lăk theo quy định quản lý lao kháng thuốc. Trong 15 ngày đầu sau khi được chuyển về địa phương để quản lý và điều trị thì bệnh nhân không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị, có một số ngày bỏ tiêm và uống thuốc. Đến ngày 10/8, sau khi bệnh nhân tự ý ngưng thuốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trạm y tế và Trung tâm y tế đã đến thăm hỏi, giải thích, động viên bệnh nhân tiếp tục điều trị đúng, đủ phác đồ và đã được bệnh nhân cùng người nhà đồng ý. Tuy nhiên đến ngày 08/9, bệnh nhân lại tiếp tục ngưng thuốc. Mặc dù Trạm y tế và Trung tâm y tế đã nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng bệnh nhân vẫn không tiếp tục điều trị.

Nhận thấy mức độ và tính chất phức tạp của sự việc, Ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trực tiếp làm việc với UBND xã, Trạm y tế và gia đình bệnh nhân để tìm giải pháp, giúp bệnh nhân tiếp tục điều trị. Bệnh nhân hiện được điều trị theo phác đồ 9 tháng, trong đó 4 tháng đầu là giai đoàn điều trị tấn công đòi hỏi bệnh nhân phải đến Trạm y tế hàng ngày để được tiêm thuốc và uống thuốc. Anh Giàng A Dạ, con trai bệnh nhân cho biết nguyên nhân khiến mẹ anh không tiếp tục điều trị là do sau mỗi lần tiêm thuốc và uống thuốc, bà rất mệt, nằm li bì và không ăn uống được gì.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đăk Rmăng cho biết, ngay sau khi nắm bắt được thông tin, UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt các ban ngành, đoàn thể địa phương cùng phối hợp trong việc quản lý bệnh nhân và vận động bệnh nhân tiếp tục điều trị như quán triệt trách nhiệm cho thôn trưởng, sự can thiệp của chức sắc tôn giáo, cử công an xã xuống hiện trường để đảm bảo cách ly bệnh nhân và gia đình…

Bệnh nhân rất cần sự đồng hành của gia đình

Theo thông tin của Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao hàng năm trong cả nước giảm 3,8%. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là số bệnh nhân lao kháng thuốc lại có chiều hướng gia tăng, gây nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Một trường hợp lao kháng thuốc nếu không quản lý, điều trị tốt sẽ tạo nguồn lây nguy hiểm cho 10-15 trường hợp khác. Trong khi đó, theo thống kê gần đây, bình quân ở Việt Nam tỷ lệ mắc lao kháng thuốc chiếm khoảng 4,1% trong số bệnh nhân lao mới và khoảng 23% trong số bệnh nhân đã, đang điều trị bệnh lao.

Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để bệnh nhân tiếp tục điều trị không chỉ giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà còn giúp cộng đồng không đối diện với nguy cơ tiếp cận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm . Với trường hợp lao kháng thuốc bỏ trị trên địa bàn xã Đăk Rmăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ yếu vẫn duy trì các biện pháp vận động, thuyết phục bệnh nhân tiếp tục tham gia điều trị. Bên cạnh đó, xác định vai trò đồng hành của người nhà là yếu tố quan trọng. Những lợi ích trong việc tuân thủ quy trình điều trị, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, chuẩn bị tâm lí cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị, phân công thành viên gia đình để đưa bệnh nhân đến trạm Y tế mỗi ngày… là những yếu tố được trao đổi với người nhà. Qua quá trình vận động, người nhà bệnh nhân đã cam kết với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND xã, Trạm Y tế xã về việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị đối với bệnh nhân.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website