A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ điều dưỡng nhiễm Covid-19 quên mình xông pha chống dịch

Nữ điều dưỡng nhiễm Covid-19 quên mình xông pha chống dịch 16/08/2021 Dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến nhiều người nhiễm bệnh, trong đó có cả những nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Mặc dù đã trở thành bệnh nhân phải lui về phía sau điều trị nhưng những nhân viên y tế vẫn không dừng lại mà tiếp tục nỗ lực thực hiện vai trò người thầy thuốc trong cơn đại dịch. Bên cạnh nỗ lực vượt qua bệnh tật, họ còn tham gia hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 khác, thậm chí quên mình để tận tình chăm sóc cho các bệnh nhi nhỏ tuổi. Một trong số đó là cử nhân điều dưỡng Võ Thị Thanh Truyền, hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đăk Mil.

Ngay từ đầu mùa dịch, cử nhân điều dưỡng Võ Thị Thanh Truyền đã xung phong tham gia vào đội lấy mẫu của đơn vị. Để tránh nguy cơ lây bệnh cho con nhỏ, cho bố mẹ già, cho đồng nghiệp…, suốt thời gian dài trước đó Thanh Truyền  đã cắm chốt tại đơn vị và hầu như không về nhà. Có chăng chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, vội vàng trở về để lấy thêm tư trang quần áo, để nhìn ngắm con cho đỡ nhớ. Ròng rã những đêm ngày cùng đồng đội thần tốc xét nghiệm, thần tốc truy vết, em đã bất ngờ nhiễm bệnh và trở thành bệnh nhân của chính căn bệnh mà em và các đồng nghiệp của mình ngày đêm truy vết. Nhiệt huyết trong em thật nhiều nhưng đành dừng lại, em phải lùi về tuyến sau để điều trị.  

Bước qua sự dằn vặt, lo lắng cho gia đình cũng là lúc em phải đối mặt với thực tại, bởi các triệu chứng bệnh hành hạ. Có những lúc sốt đến 40oC, cơ thể rã rời như tách ra thành từng mảnh khiến tinh thần em sa sút, âu lo. Nhưng rồi, với bản lĩnh người thầy thuốc, em sớm xốc lại tinh thần, vững vàng đối mặt với thực tế. Ngoài sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, tự em đã nỗ lực thực hiện tất cả các biện pháp khoa học để chống lại sự tấn công của vi rút và lấy lại thăng bằng trong cảm xúc. Bên cạnh việc tự mình thực hiện tất cả những gì tốt nhất cho việc phục hồi sức khoẻ, em còn hết lòng giúp đỡ, chia sẻ và động viên mọi người cùng cố gắng vượt qua hoàn cảnh.

Hiểu được tâm lý hoang mang, mặc cảm, lo lắng của các bệnh nhân, em đã cận kề tâm sự, sẻ chia để mọi người thông suốt, rằng ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, và việc bị nhiễm bệnh là điều không ai mong muốn. Khi không may bị nhiễm vi rút thì bản thân người bệnh phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn, phối hợp với y, bác sỹ và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị đã đề ra. Có như vậy mới nhanh khỏi bệnh, để sớm trở về với gia đình.

Để hạn chế thấp nhất sự lây truyền vi rút trong khu điều trị,  em đã chủ động dọn dẹp phòng bệnh, nhà vệ sinh và các vật dụng nhằm đảm bảo sự an toàn cho mọi người trong khu điều trị. Em trực tiếp đến từng phòng gặp gỡ, làm mẫu và hướng dẫn mọi người cùng lau chùi, dọn dẹp, nhằm giúp người bệnh hưng phấn và bớt âu lo, phiền muôn. Mỗi buổi sáng và chiều, em đều vận động, kêu gọi mọi người tham gia tập luyện thể dục để nâng cao sức khoẻ, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị của các y bác sỹ.

Hàng ngày, cũng chính em làm đầu mối trực tiếp tổng hợp, theo dõi thực đơn, nắm bắt nhu cầu ăn uống của hơn 60 bệnh nhân để báo cho đội ngũ hậu cần bệnh viện. Làm như vậy em vừa giúp mọi người có loại thức ăn phù hợp với nhu cầu, vừa tránh được tình trạng dư thừa, lãng. Đến giờ cơm, em tình nguyện đi phát những suất ăn tới tay từng người bệnh để đồng nghiệp mình hạn chế bớt thời gian tiếp xúc trong khu vực điều trị. Em cũng tận tình nhắc nhở, động viên thậm chí bắt mọi người ăn hết khẩu phần để đủ dinh dưỡng chống lại bệnh tật.

Nói về bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TTYT Đăk Mil, nơi đây có tổng số 63 người đủ thành phần, giới tính. Đặc biệt trong số này có 05 trẻ em dưới 10 tuổi. Bé nhỏ nhất vừa tròn 7 tháng, 04 bé còn lại đứa lên 2, lên 7 và 8 tuổi. Những đứa trẻ đang yên ấm trong vòng tay cha mẹ, người thân bỗng chốc đơn độc tự mình đối diện với bệnh tật tại khu cách ly điều trị. Không thể kể hết những cảm xúc khi chứng kiến ngày các bé thất thểu nhập viện. Nhiều cháu ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đối với cháu, việc mang dịch bệnh trong người không quan trọng bằng việc phải sống trong môi trường xa lạ, không người thân thích. Thời gian đầu, các cháu đều hoảng sợ, thậm chí khủng hoảng tinh thần cộng với các triệu chứng của bệnh khiến những đứa trẻ đứng trước hoàn cảnh vô cùng đáng thương.

Cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của các cháu, các y, bác sỹ ngoài nhiệm vụ điều trị, còn thay thế vai trò người thân, cận kề chăm sóc động viên các cháu, giúp các cháu từ khoảng trống chơi vơi dần quen và thích nghi với môi trường tự lập trong khu điều trị.

Điều dưỡng và là bệnh nhân Võ Thị Thanh Truyền cũng không ngoại lệ. Em chính là người trực tiếp dìu dắt, chăm sóc bệnh nhân Đ.G.P 7 tuổi trú tại Đăk Song. Đây là trường hợp về từ TP.Hồ Chí Minh cùng người mẹ đang mang thai. Dù mẹ may mắn có kết quả âm tính với vi rút Sars Cov 2 nhưng lại bàng hoàng khi đứa con trai bé bỏng lại nhiễm bệnh. Ngày tiễn con vào khu cách ly điều trị, chị khụy xuống nhìn con khóc thét thất thểu bước theo các y, bác sỹ. Chứng kiến cảnh chia tay nghẹn ngào, xót xa ấy, Truyền đã không cầm lòng mà dang tay đón nhận cháu bé về phòng mình để chăm sóc.

Vượt qua mọi mệt mỏi của bản thân, suốt quá trình cùng nhau điều trị, em chăm bón, dỗ dành, động viên, lo cho bé từng bữa ăn, liều thuốc; nấu từng bình nước để hạ nhiệt, tắm rửa cho bé hàng ngày; vỗ về bé trong từng giấc ngủ; cả việc giặt dũ phơi gom quần áo cho bé cũng do em thực hiện. Lúc rảnh rỗi em lại bày trò vui đùa vừa giúp bé khuây đi nỗi nhớ người thân vừa tăng cường sức khoẻ. Từ một đứa trẻ xa lạ, sợ hãi, cảm nhận được tình thương của cô bệnh nhân điều dưỡng, G.P đã thân thiết gọi cô là mẹ như một món quà tự nhiên của quy luật “cho đi và nhận lại”.

Không dừng lại ở đó, khi đã phục hồi sức khoẻ và đủ điều kiện xuất viện về nhà nghỉ ngơi nhưng điều dưỡng Võ Thị Thanh Truyền vẫn tự nguyện ở lại để chăm sóc cho 02 chị em bệnh nhân nhỏ tuổi khác.

          Lần này không chỉ bé gái 8 tuổi mà còn cả bệnh nhân gần 8 tháng. Đây là 02 chị em trong 01 gia đình có mẹ và dì cùng nhiễm bệnh, bố phải đi cách ly tập trung. Quá trình điều trị, 02 bé phục hồi sớm hơn nên được chuyển sang khu chờ xuất viện trong khi mẹ và dì vẫn ở phòng dành cho người chưa âm tính. Trước hoàn cảnh trớ trêu, 02 đứa trẻ không có người thân bên cạnh nên chính em đã xung phong, đề đạt với đơn vị cho mình quay lại khu điều trị để chăm sóc 02 bé đợi đến khi người thân cuả các cháu được xuất viện. Em tiếp tục đóng vai trò người mẹ chăm sóc những đứa con, ẵm bồng, nâng niu, dỗ dành, đút cho bé em từng muỗng sữa, động viên khích lệ bé chị ăn ngủ bảo toàn sức khoẻ để vượt qua tháng ngày khó khăn, khốc liệt.

Một lần nữa em đã gạt bỏ nỗi lo tái nhiễm bệnh, gạt qua cả nỗi nhớ con day dứt để ở lại chăm sóc cho 02 đứa trẻ đáng thương. Và khi hai cháu bé đã chính thức được xuất viện trở về với vòng tay yêu thương của gia đình thì em cũng làm đơn xin phép cơ quan cho mình tiếp tục ở lại đơn vị để làm việc, để chống dịch cùng đồng đội mà không về nhà nghỉ ngơi sau thời gian cách ly điều trị bệnh.

Khi được hỏi động lực nào để em, một cô gái có vẻ ngoài yếu đuối, nhỏ nhắn có thể làm được những điều phi thường, lớn lao ấy? Em chỉ cười và nói rằng “Em cũng là một người mẹ có những đứa con thơ dại. Em có người chồng biết cảm thông và chia sẻ, có gia đình yêu thương và ủng hộ suốt cả chặng đường công tác. Và hơn thế nữa, em là một nhân viên y tế, chưa bao giờ như lúc này mọi người đang cần chúng em, xã hội đang cần sự dốc sức đóng góp của mỗi công dân để dập tắt đại dịch nên em không thể lùi lại phía sau”.

Có lẽ, trong những ngày nóng bỏng, căng thẳng vì dịch bệnh thì em, cô bệnh nhân – điều dưỡng Võ Thị Thanh Truyền chính là dòng nước mát lành xoa dịu đi những âu lo, mệt mỏi. Em không chỉ là cô gái dũng cảm, nhiệt huyết mà chính em đã làm sáng ngời truyền thống “lương y như từ mẫu” của dân tộc Việt Nam.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website