A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cư Jút tập trung phòng chống sốt xuất huyết

Cư Jút tập trung phòng chống sốt xuất huyết 21/08/2019 Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trên diện rộng và số ca mắc ngày càng có nguy cơ gia tăng. Cư Jút là một trong những địa phương ghi nhận sốt xuất huyết bùng phát nhanh, khi từ đầu tháng 6 đến nay có hơn 480 ca bệnh. Trước tình hình này, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân huyện Cư Jút đang tập trung phòng chống nhằm khống chế sốt xuất huyết, giảm lây lan trong cộng đồng.

Diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt suất huyết

Tính tới ngày 8/8, toàn huyện Cư Jút đã có 525 ca mắc SXH (tăng gần 27 lần so với số ca mắc bệnh của cả năm 2018). Trong đó, 6 tháng đầu năm, toàn huyện chỉ ghi nhận 42 trường hợp, nhưng đến hiện nay, số ca bệnh đã tăng gấp 12 lần. Bệnh gia tăng với tốc độ phi mã. Tất cả các xã và thị trấn trên địa bàn đều có ca bệnh, trong đó tập trung nhiều ở thị trấn EaT’ling, xã Đăk Win và xã Tâm thắng.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thanh - Phó giám đốc Trung tâm Y tế, năm 2019 được dự báo là năm sốt xuất huyết lưu hành theo chu kỳ 3 năm 1 lần trên địa bàn. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút đã tham mưu cho Đảng ủy, Chính quyền địa phương lên kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, lễ ra quân phòng chống sốt xuất huyết được tổ chức tại xã Đăk Win thu hút được các cấp, ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân tham gia. TTYT huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền như treo băng rôn, truyền thanh lưu động. Cán bộ y tế các xã, thị trấn tại huyện Cư Jút còn thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tại địa phương đến từng hộ gia đình để cấp phát tài liệu truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết bùng phát chính là do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, cộng với một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh. Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, ngành Y tế huyện đã vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, ngủ màn cả ngày lẫn đêm …Cùng với ngành Y tế địa phương, Trung tâm KSBT đã tăng cường bố trí nhân lực, vật lực hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng chống và dập dịch. Theo đó, Trung tâm đã cấp gần 50 lít hóa chất, hơn 250 bộ trang phục chống dịch, hỗ trợ 2 máy phun dung tích lớn đồng thời cử cán bộ tuyến tỉnh hỗ trợ về chuyên môn cho TTYT huyện Cư Jút. Nhờ đó, người dân trên địa bàn cũng nhận thức được nguy cơ sốt xuất huyết gia tăng cũng như vai trò của cộng đồng trong việc phòng chống bệnh. Hiện, người dân đã tích cực, chủ động phối hợp, chung tay cùng với ngành Y tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.

          Tổ dân phố 3, Thị trấn EaT’Ling là nơi phát hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên. Chỉ trong một thời gian ngắn, số ca mắc bệnh trên địa bàn tăng nhanh đột biến. Trước tình hình này, với sự hướng dẫn về chuyên môn của cán bộ y tế, chính quyền địa phương cũng vào cuộc, kêu gọi người dân cùng chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết. Ông Diệp Bảo Tuấn, tổ trường tổ dân phố 3, thị trấn EaT’Ling cho biết: “Trước tình hình số người mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng cao, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Y tế, người dân địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài việc tạo điều kiện cho cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi trong nhà, người dân tổ dân phố 3 tích cực tham gia diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm”.

Bà Nguyễn Thị Tươi, người dân tổ dân phố 3, thị trấn EaT’ling cho biết: “Cùng với việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, ngành Y tế cũng vận động người dân chủ động tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh. Cán bộ y tế đã xuống tận địa bàn, hướng dẫn người dân loại bỏ các vật dụng phế thải; thả cá vào các bể và vật dụng chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy; đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp; xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như hố ga thoát nước, hốc cây, chậu cảnh… Nhờ đó, bản thân tôi và người dân trên địa bàn đã biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc TTYT huyện Cư Jút cho biết, theo dự báo, bệnh SHX vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nên mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với bệnh. SXH là bệnh do muỗi truyền vi rút từ người bệnh sang người lành và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cần thông báo cho các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế dập dịch khi xảy ra dịch bệnh./.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website