A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gian nan phòng chống sốt rét vùng biên giới

Gian nan phòng chống sốt rét vùng biên giới 21/08/2019 Xã Quảng Trực (Tuy Đức) được xem là “Vùng rốn”của bệnh sốt rét hiện nay, công tác phòng chống bệnh sốt rét đang gặp nhiều khó khăn do tác động của những yếu tố khách quan. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng gia tăng bệnh nhân sốt rét, ngành Y tế địa phương cần có những giải pháp căn cơ mang tính chiến lược, bền vững.

Bệnh nhân đến điều trị bệnh sốt rét tại Trạm Y tế xã Quảng Trực

Quảng Trực hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để bệnh sốt rét gia tăng. Là xã có nhiều diện tích rừng bao phủ, có đường biên giới dài hơn 30 km tiếp giáp với Campuchia và phía Tây xã tiếp giáp với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước. Trong đó, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, hoang sơ, rậm rạp, là môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt rét trú đậu, sinh sôi phát triển. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội của địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Dân di cư tự do đến xã ngày một đông, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống bà con luôn gắn liền với rừng, rẫy vì vậy nguy cơ mắc sốt rét rất lớn. Toàn xã rộng gần 56.000 ha nhưng chỉ có hơn 2.000 hộ dân sinh sống rải rác khắp các khu vực rừng rẫy. Giao thông đi lại rất khó khăn đặc biệt là mùa mưa nên việc tiếp cận vào các khu vực nguy cơ cao về sốt rét còn gặp nhiều hạn chế.   

Tình hình dân di biến động đến địa bàn rất phức tạp, khó quản lý. Việc người dân qua lại khu vực biên giới bằng các đường mòn vẫn còn diễn ra. Đặc biệt nguy cơ là nhóm dân từ những vùng không có sốt rét lưu hành đến điạ bàn có sốt rét lưu hành làm nương rẫy, làm thuê theo mùa vụ , săn bắn thú rừng, thu hái lâm sản... nên rất dễ mắc sốt rét và sốt rét ác tính. Những đối tượng này khi mắc bệnh thì thường rất nặng do đến cơ sở y tế muộn vì chủ quan hoặc bị chi phối bởi lịch trực gác rừng hoặc tính chất công việc mùa vụ.

Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xảy ra cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị cũng như công tác phòng, chống. Điều dưỡng Lang Minh Tín – Phụ trách Trạm Y tế xã Quảng Trực cho biết, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc làm cho việc điều trị tiệt căn mầm bệnh sốt rét gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, bệnh sốt rét sẽ có diễn biến lâm sàng nặng hơn, kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều đợt, tạo cơ hội gia tăng mầm bệnh, gia tăng tỷ lệ muỗi truyền bệnh bị nhiễm ký sinh trùng kháng thuốc sau đó lây lan phát tán ký sinh trùng kháng thuốc trong cộng đồng.

Nhiều năm liền, cùng với Đăk Bukso, Quảng Trực luôn có số bệnh nhân sốt rét cao nhất địa bàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Có năm số người mắc bệnh sốt rét lên đến hàng trăm, chủ yếu tập trung ở đối tượng đi rừng, đi rẫy. Ngoài đối tượng nông dân làm rẫy, làm nương, còn có không ít đàn ông trưởng thành sinh sống tại xã Quảng Trực tham gia bảo vệ rừng Quốc gia Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước. Hiện tại có 7 nhóm/tổ tham gia bảo vệ rừng Quốc gia Bù Gia Mập với gần 250 người, con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng theo thời gian. Các đối tượng này thường xuyên bị mắc sốt rét. Nhiều tổ cả 25-30 người đi tuần tra đều mắc bệnh sốt ret, thậm chí có người mắc sốt rét 2, 3 hay 4 lần/năm.

Bên cạnh những khó khăn thường trực, hiện nay, công tác phòng chống sốt rét tại Quảng Trực cũng có những bước khởi sắc. So với trước đây, vấn đề nhận thức của người dân về bệnh sốt rét đã có nhiều tiến bộ. Ông Tín cho biết thêm, hiện nay, ý thức phòng bệnh sốt rét của người dân địa phương nói chung, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và lực lượng bảo vệ rừng đã có nhiều thay đổi, họ không còn tư tưởng phó thác tính mạng, sức khỏe cho trời đất. Bà con đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng sốt rét như bôi kem chống muỗi, mặc áo quần dài tay hay ngủ màn cả ngày lẫn đêm... Việc bị mắc sốt rét chủ yếu là do ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài, đặc biệt, với những người đi rừng, sống và làm việc trong môi trường rừng núi thì việc bị muỗi đốt trở thành yếu tố bất khả kháng. Hầu hết bệnh nhân sốt rét trên địa bàn xã Quảng Trực đều là bệnh nhân ngoại lai, họ mắc bệnh khi đi làm ăn ở nơi khác và quay trở về địa phương để điều trị.

Thiết nghĩ, để công tác phòng chống sốt rét đạt hiệu quả, giảm thiểu tối đa số người mắc sốt rét tại Quảng Trực cần phải có những giải pháp sâu xa nhằm giải quyết triệt để những tồn tại khách quan. Ngoài những nỗ lực chuyên môn của ngành Y tế trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; đầu tư, cung cấp cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác phòng chống sốt rét của địa phương thì các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho bà con; tạo sinh kế để người dân phát triển kinh tế ngay tại địa phương mình mà không cần phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản. Cụ thể như tổ chức phổ biến kiến thức, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên khu vực đất vườn, đất thổ cư; đầu tư nguồn giống, phân bón… nhằm giúp bà con phát triển cây nông, công nghiệp ngắn ngày, dài ngày phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con tiếp cận theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi, đầu tư phát triển vật nuôi, gia súc, gia cầm … nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ khi kinh tế được nâng cao, đời sống no đủ, thu nhập ổn định thì việc lựa chọn công việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe mới được quan tâm thực hiện. Lúc đó, người đi rừng, đi rẫy sẽ giảm đồng nghĩa với việc tình trạng mắc sốt rét cũng sẽ giảm theo.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website