A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi rút Dengue. Mặc dù nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng đôi khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng thậm chí gây tử vong. Việc phòng chống SXH phụ thuộc vào kiểm soát véc tơ (vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn) và SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do SXH. Hiện nay, khoảng một nửa dân số thế giới đang có nguy cơ mắc bệnh với ước tính từ 100 - 400 triệu ca nhiễm mỗi năm. Số ca mắc bệnh đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập niên gần đây.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - PCT UBND tỉnh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại xã Đắk Wer và Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp

SXH hiện đang lưu hành trên 100 quốc gia trong các khu vực ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó, Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Năm 2010, tại hội nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 đã thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm làm ngày ASEAN phòng chống SXH nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, huy động các nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Đồng thời thể hiện cam kết của khu vực trong việc giải quyết căn bệnh này. Năm 2024 là năm thứ 14 liên tiếp cộng đồng ASEAN hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH”.

Tại tỉnh Đắk Nông, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục gia tăng tại nhiều địa phương. Tính đến ngày 12/06/2024, toàn tỉnh ghi nhận 656 trường hợp mắc tại 54/71 xã/phường/thị trấn, tăng 329 ca so với cùng kỳ 2023 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống SXH, Sở Y tế ban hành Công văn số 126/KH-SYT ngày 12/6/2024 về việc hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 14. Theo đó, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức các chuỗi hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH.

Cụ thể, Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch SXH tại 8/8 huyện, thành phố Gia Nghĩa nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh và các biện pháp được triển khai. Qua đó, thảo luận và tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch SXH tại các địa phương.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế huyện về giám sát và phòng, chống dịch; chẩn đoán và điều trị bệnh SXH nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế hệ dự phòng và hệ điều trị thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Gia Nghĩa. Dự kiến tổ chức 01 lớp tập huấn vào tuần thứ 4 của tháng 6 gồm có giảng viên là cán bộ của Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh SXH nhằm nâng cao nhận thức phòng bệnh SXH của người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức lễ phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH tại 8/8 huyện, thành phố. Trong đó, ưu tiên tổ chức tại các xã/phường có ổ dịch đang hoạt động, khu vực nguy cơ cao, các xã/ phường trọng điểm. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các hội tại địa phương chung tay vào công tác phòng, chống bệnh SXH. Sau lễ phát động sẽ tổ chức diễu hành và ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và truyền thông về bệnh SXH, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mục đích của tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội trong phạm vi xã, phường, thị trấn nhằm làm giảm mật độ muỗi trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền bệnh SXH. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi của từng hộ gia đình trong việc tự giác thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loại bỏ các ổ lăng quăng, bọ gậy, khống chế không để dịch xảy ra và kéo dài tại địa phương.

Vận động người dân thực hiện loại bỏ các vật dụng phế thải, sử dụng tác nhân sinh học diệt lăng quăng, bọ gậy. Đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng. Lật úp các vật dụng chứa nước nhỏ như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm...Thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt. Lọc nước loại bỏ lăng quăng, bọ gậy. Đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hòa nên cho dầu hoặc muối vào để ngăn lăng quăng, bọ gậy phát triển; cọ rửa bằng bàn chải thành dụng cụ chứa nước sử dụng thường xuyên để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt ít nhất 1 tuần/lần. Xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như: hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bể cảnh và các ổ đọng nước khác./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website