A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tai nạn đuối nước trong mùa hè

Đuối nước là tình trạng suy hô hấp xảy ra khi nước tràn vào đường hô hấp,  xâm nhập vào khí, phế quản gây khó thở, ngạt thở, gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh, làm cho các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Đuối nước là vấn đề xảy ra rất nhiều ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ, đến người lớn và cả người cao tuổi do không có các kỹ năng dưới nước hoặc do tai nạn bất ngờ. Những nguyên nhân chính xảy ra đuối nước là do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ và kỹ năng phòng tránh đuối nước.

Trong mùa hè phụ huynh nên đưa con đi học bơi tại các trung tâm thanh thiếu nhi

Theo thống kê cho thấy có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước. Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn gây ra phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản, làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và dần đi vào hôn mê. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Vì vậy, khi gặp trường hợp đuối nước cần khẩn trương giải phóng đường hô hấp và kiên trì hô hấp nhân tạo, sơ cứu ngay tại chỗ.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em đuối nước thương tâm do sự bất cẩn của người lớn. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, từ năm 2020 đến hết quý I/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 104 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều đáng nói, số trẻ bị tử vong do đuối nước có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020 là 18 em; năm 2021 có 21 em; năm 2023 là 34 em; từ đầu năm 2024 đến nay đã có 14 trẻ tử vong vì đuối nước.

Mùa hè là mùa mà các em học sinh được nghỉ ngơi sau một năm học tập, cùng với thời tiết nắng nóng nên việc đi tắm song, tắm suối, đi bơi là thú vui được nhiều em học sinh ưa thích. Đây cũng chính là yếu tố khiến nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, tỉ lệ tử vong do đuối nước ngày càng cao ở khu vực có nhiều sông, hồ, ao suối. Đuối nước cũng là một tai nạn bất ngờ, không có những nguyên nhân rõ ràng và khó có thể lường trước được, gây tử vong hoặc tổn thương đến cơ thể người bị nạn. Bởi vậy, việc tuyên truyền phòng chống đuối nước hằng năm cần thực hiện thường xuyên và đặc biệt là khoảng thời gian hè, để phụ huynh và học sinh chủ động phòng tránh đuối nước. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì vậy các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người cần có hiểu biết về cách phòng tránh đuối nước và kỹ năng xử trí tai nạn đuối nước.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ em, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt các biện pháp sau: các em học sinh, thanh thiếu niên không được phép đi bơi, tắm sông, tắm suối khi chưa được sự cho phép bố mẹ; Trẻ đi bơi phải có sự giám hộ của người lớn; khuyến cáo các em nhỏ không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước; chỉ bơi, tắm ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi; trong mùa mưa lũ, trẻ em đi học nên có người lớn đưa đi, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông, đập tràn; khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục;  chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

 Khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt... Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, sao đó nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, người cứu hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc có người đến đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.


Tác giả: Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website