A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Krông Nô: gần 7.500 trẻ dưới 5 tuổi được uống bổ sung vắc xin bại liệt

Krông Nô: gần 7.500 trẻ dưới 5 tuổi được uống bổ sung vắc xin bại liệt 02/07/2019 Với mục tiêu trên 95% trẻ trong độ tuổi được đủ 2 liều vắc xin, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bại liệt trong cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Krông Nô đã triển khai chiến dịch uống bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt (bOPV) cho gần 7.500 trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn huyện.

Krông Nô là huyện miền núi khó khăn đồng thời là địa phương có tỷ lệ uống vắc xin bOPV trong tiêm chủng thường xuyên năm 2016 và 2017 thấp (dưới 90%). Vì vậy, huyện Krông Nô được xếp vào diện nguy cơ duy nhất của tỉnh cần phải triển khai Chiến dịch uống bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt (bOPV). Đối tượng chính của chiến dịch là tất cả trẻ em dưới 5 tuổi đang có mặt tại địa phương kể cả đối tượng vãng lai, trừ trường hợp mới uống hoặc tiêm vắc xin bại liệt trong vòng 01 tháng kể từ ngày tổ chức chiến dịch.

Toàn huyện Krông Nô hiện có 7.438 trẻ dưới 5 tuổi. Tổng số điểm tiêm chủng thường xuyên thuộc Chương trình TCMR là 17 điểm. Theo đó, chiến dịch uống bổ sung vắc xin bOPV huyện Krông Nô được tổ chức 2 vòng cách nhau một tháng. Vòng 1 diễn ra vào cuối tháng 3 và kết thúc vòng 2 vào đầu tháng 5. Mỗi trẻ sẽ được uống 02 liều vắc xin bOPV (mỗi liều hai giọt) trong suốt chiến dịch.

Để thực hiện tốt mục tiêu chiến dịch, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia chiến dịch uống bổ sung vắc xin bại liệt. Tại đây, các học viên được cung cấp đầy đủ các kiến thức, danh sách, bảng biểu để phục vụ công tác điều tra, rà soát, lập danh sách đối tượng; các bước triển khai cho trẻ uống vắc xin bại liệt; bố trí điểm uống ...

Công tác điều tra và lập danh sách trẻ cần uống bổ sung vắc xin bOPV được Trung tâm cùng các Trạm Y tế thực hiện nghiêm túc. Bà Nguyễn Thị Lan Thao, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Đà cho biết, Trạm đã phân công cho đội ngũ y tế thôn, bon cùng các cán bộ y tế trường học lập danh sách đối tượng trong độ tuổi theo từng trường học, thôn bon. Sau đó, các đối tượng này sẽ tiếp tục được rà soát, đối chiếu để tránh các trường hợp trùng lặp. Để đảm bảo không bỏ sót đối tượng, Trạm đã đặc biệt quan tâm đối với những vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn, vùng dân di cư tự do.

Nhờ làm tốt công tác tham mưu, ngành Y tế huyện đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương trong việc phối hợp triển khai chiến dịch. Giấy mời đưa trẻ đến các điểm uống bổ sung bOPVđược lực lượng y tế thôn, bon phát về tận từng hộ gia đình hoặc từng bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi. Đối với các trường học trên địa bàn, Trung tâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tiến hành rà soát và vận động phụ huynh có trách nhiệm đưa con em mình tham gia uống vắc xin theo kế hoạch.

Công tác truyền thông đặc biệt được chú trọng nhằm mục đích tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêm/uống vắc xin bOPV. Trung tâm đã tổ chức 02 đợt truyền thông trước và trong khi triển khai chiến dịch với nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và đối tượng mục tiêu của chiến dịch uống bổ sung vắc xin bOPV cho trẻ đủ 02 tháng đến dưới 60 tháng tuổi; lợi ích của việc uống vắc xin bOPV và một số phản ứng có thể gặp phải; đối tượng, thời gian, địa điểm triển khai chiến dịch. Các hình thức truyền thông cũng được đa dạng hóa. Cụ thể, về truyền thông gián tiếp thì tổ chức phát sóng các thông điệp qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình của huyện, hệ thống phát thanh của xã/thị trấn và phát thanh tại Trạm Y tế. Về truyền thông trực tiếp, các Trạm Y tế đã tổ chức tư vấn lồng ghép qua các lượt khám chữa bệnh, tiêm chủng thường xuyên và huy động đội ngũ nhân viên y tế thôn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con tham gia chiến dịch.

Các điểm uống bổ sung bOPV tại các trường học được bố trí khoa học với phòng uống đủ rộng, đủ bàn ghế thực hiện được quy trình 1 chiều. Theo đó, trẻ xếp hàng một để vào phòng uống vắc xin. Sau khi uống sẽ di chuyển đến phòng theo dõi có sự giám sát của cán bộ y tế hoặc thầy cô giáo.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Nô cho biết “Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, mỗi điểm uống có tối thiểu 3 nhân viên y tế đã được tập huấn về kỹ năng thực hành tiêm chủng và phòng chống sốc. Sau mỗi ngày, y tế xã có trách nhiệm phối hợp với y tế thôn/bon, cộng tác viên rà soát lại để tổ chức uống vét, đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Đơn vị cũng chủ động cử cán bộ kiểm tra, giám sát nhằm hỗ trợ các điểm uống thực hiện đúng các quy định qua đó đảm bảo chất lượng và an toàn chiến dịch”.

Việc triển khai chiến dịch uống bổ sung vắc xin bOPV cho trẻ em dưới 5 tuổi tại địa phương đã góp phần nâng cao tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bại liệt trong cộng đồng, bảo vệ thành quả của công tác thanh toán bệnh bại liệt đạt được từ năm 2000 tại Việt Nam.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website