A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế đa dạng hóa hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em

Thực hiện Dự án 7- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động và truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em qua đó góp phần cải thiện và nâng cao hiểu biết của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ - trẻ em và dinh dưỡng trên địa bàn.

"Góc truyền thông csskss vị thành niên" tại trường THPT DTNT là một trong những hoạt động thiết thực chuyển tải thông điệp giáo dục sức khoẻ giới tính cho học sinh vubgf dân tộc thiểu số 

Dự án 7- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hướng đến mục tiêu chính là: Cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số tới các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Đăk Nông.

Với mục tiêu đó, nhằm phổ biến, lan tỏa trong nhân dân tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ - trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng trẻ em, ngành Y tế  đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức phát động và thực hiện chiến dịch truyền thông Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, với chủ đề: "Làm mẹ an toàn - Sức khoẻ cho mẹ, tương lai cho bé". Qua đó, đã vận động đông đảo người dân tham gia hưởng ứng các hoạt động từ đó lan tỏa trong cộng đồng các thông điệp, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em. Nhờ tham gia các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn và Lễ phát động mà nhiều người dân đã hiểu hơn về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.

 Chị H’sang trú tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cho biết, trước đây, khi mang thai, chị cũng như nhiều chị em khác trong bon hầu như không quan tâm và thực hiện khám thai đủ 4 lần, hoặc phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe cho sinh nở. Gần đây, nhờ lắng nghe thông tin từ loa phát thanh và nhất là hôm nay tham gia lễ phát động, được cán bộ y tế giải thích rõ về lợi ích của chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị đã hiểu ra rất nhiều điều. Chị H’Sang nói: “Về nhà tôi sẽ hướng dẫn lại cho các chị em trong bon để họ cũng hiểu và làm theo. Tôi sẽ nấu cho con mình ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ gà, cá, rau mà mình nuôi trồng được”.

Như các tỉnh, thành khác trong cả nước, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng trẻ em là những mục tiêu quan trọng của ngành Y tế Đắk Nông. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc tại các xã có triển khai can thiệp thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh vượt 0,5%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc vượt 0,4%. Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh hàng năm.

Nói về ý nghĩa của việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ông ÊBan Thanh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết Tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi trong cộng đồng sẽ kêu gọi và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp các ngành và nhân dân trong việc thực thi các chủ trương, chính sách về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số. Mặt khác, cũng từ công tác tuyên truyền vận động, nhiều tấm gương điển hình về chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dưỡng trẻ em được phát hiện, từ đó lan tỏa rộng rãi, sâu, rộng trong cộng đồng, làm tấm gương sáng và tạo động lực cho nhiều người noi theo”.

Nằm trong nhóm hoạt động “Tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về sức khỏe bà mẹ - trẻ em” năm 2023, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trường Phổ thông DTNT THCS-THPT huyện Đắk Glong tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch truyền thông “Hãy sống một tuổi teen đầy khát vọng, hiểu biết và lành mạnh”; đồng thời giới thiệu mô hình Góc truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên với tên gọi “Góc tuổi teen”. Đây là mô hình truyền thông dựa vào thầy cô giáo và học sinh của nhà trường; là nơi các em có cơ hội được tư vấn, chia sẻ kiến thức liên quan về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, về tâm sinh lý lứa tuổi, kỹ năng xử lý tình huống nhạy cảm trong cuộc sống... ở lứa tuổi học trò.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện chương trình cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về triển khai mô hình “Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời”; tập huấn về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Ngoài ra, tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông cho y tế thôn bon tại một số địa phương nhằm triển khai hiệu quả các can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thông qua các hoạt động truyền thông, mục tiêu ngành Y tế tỉnh hướng đến là cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số cả về thể chất lẫn tinh thần, tầm vóc và tuổi thọ.

Đa dạng hóa hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2023, ngành Y tế tỉnh phấn đấu có trên 80% phụ nữ có thai tại xã khu vực 3 biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh; trên 80% xã khu vực 3 triển khai thực hiện Tuần lễ làm mẹ an toàn hàng năm; trên 80% phụ nữ mang thai tại xã khu vực 3 được tiếp cận ít nhất 1 loại tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Kết quả hoạt động, năm 2023 với nhiều khó khăn của thời gian đầu triển khai thực hiện, hoạt động chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch đề ra, trong đó tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi 5,3‰; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 57,8%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt 91,9% và 94,9% có sự trợ giúp của nhân viên y tế; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà 3 lần trong 42 ngày sau đẻ 39,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi tại các xã KV3 được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần 12,3%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, toàn ngành Y tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà chương trình đề ra, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội lực để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung, tỉnh Đăk Nông nói riêng ngày càng được nâng cao, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

 


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website