A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông nỗ lực tiến tới loại trừ bệnh phong tuyến huyện

Năm 2012, Đắk Nông được Bộ Y tế công nhận tỉnh đạt 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở quy mô cấp tỉnh. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Đắk Nông phấn đấu đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện trong giai đoạn 2020-2021.

Khám, phát hiện sớm bệnh Phong xã Nâm Njang huyện Đăk Song.

Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng mãn tính, do vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium Leprae gây nên. Bệnh phong không gây chết người, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ để lại di chứng khuyết tật trầm trọng cho người bệnh và lây lan ra cộng đồng. Chính những khuyết tật này làm cho cộng đồng sợ hãi, có quan niệm sai lầm và kỳ thị bệnh nhân phong.

Chị Lý Thị S, trú tại thôn 5, xã Đăk Ha mắc bệnh phong đã nhiều năm. Do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên hiện nay chị  phải mang di chứng nặng nề ở hai bàn chân. Không thể đi lại, chỉ ngồi một chỗ nên cuộc sống của chị gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Lý A S, em trai chị S, sống ngay nhà bên cạnh cũng mắc bệnh phong. Được biết, từ năm 2015 anh S đã có cảm giác tê bì ngón út tay phải, da khô. Tháng 1/2020, anh S thấy xuất hiện nhiều mảng hồng ban sắc tố nổi gồ trên mặt da vùng lưng, ngực và bụng; rụng lông mày. Anh không đi khám mà tự mua thuốc về thoa, uống. Sau một thời gian không thấy bệnh thuyên giảm, anh đến Khoa Da liễu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám, xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh phong. Rút kinh nghiệm từ việc chị S phải chịu di chứng nặng nề, tàn tật suốt đời, anh S đã rất tích cực và phối hợp với cơ sở y tế để điều trị. Anh không sợ bị kỳ thị mà chỉ lo lắng không đủ sức khỏe để lao động, chăm lo cho gia đình.

 

Chị Trương Thị Hồng Yên, chuyên trách công tác phòng chống phong – Trạm Y tế Đắk Ha cho biết, thôn 5, xã Đắk Ha hiện đang có 4 bệnh nhân phong được quản lý điều trị. Hầu hết gia cảnh của các bệnh nhân đều rất khó khăn do bị mất sức lao động hoặc sức lao động bị giảm sút do di chứng của bệnh. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ y tế tại đây rất trăn trở, phải làm sao để người dân nâng cao nhận thức về việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Tránh các trường hợp đáng tiếc khi phát hiện ra bệnh thì cơ thể đã chịu những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức lao động.

Chương trình loại trừ bệnh phong được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai từ năm 1982. Phương pháp đa hóa trị liệu đã giúp hàng triệu bệnh nhân phong trên thế giới khỏi bệnh. Năm 1991, WHO ra nghị quyết loại trừ bệnh phong vào năm 2000, với tiêu chí giảm tỉ lệ lưu hành xuống dưới 1/10.000 dân số. Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của WHO vào năm 2000. Đến năm 2015, cả nước có 63 tỉnh/thành phố đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh theo 4 tiêu chí của Việt Nam.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 37 bệnh nhân phong được quản lý điều trị và chăm sóc tàn tật. Từ kết quả được công nhận loại trừ phong tuyến tỉnh vào năm 2012, đến nay, công tác phòng, chống bệnh phong tiếp tục được triển khai và duy trì bền vững. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Đắk Nông tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện trong giai đoạn 2020-2021.

Năm 2020, toàn tỉnh Đăk Nông có 4 đơn vị là huyện Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa phấn đấu loại trừ phong tuyến huyện. Để tiến tới loại trừ phong cấp huyện, nhiều giải pháp được triển khai mạnh mẽ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn như: Củng cố nguồn lực cho mạng lưới phòng, chống bệnh phong tại các tuyến; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để tuyến cơ sở đủ năng lực phát hiện, theo dõi, quản lý bệnh nhân phong; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh phong cho 100% cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và học sinh THCS tại các huyện, thị xã, thành phố có người bệnh phong; đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh phong đến 100% xã/phường, thôn/xóm; đưa kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh phong vào hoạt động ngoại khóa hoặc giảng dạy tại các trường THCS trên toàn địa bàn; tăng cường khám, phát hiện sớm và áp dụng đa hóa trị liệu cho 100% bệnh nhân phong; nâng cao chất lượng công tác phòng, chống khuyết tật, phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân phong…

Tại Đắk Song, hiện đang quản lý 5 bệnh nhân phong. Tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc tốt, các hoạt động truyền thông về bệnh phong luôn được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Hàng năm Trung tâm Y tế huyện phối hợp với chuyên trách tuyến tỉnh tổ chức khám, phát hiện bệnh nhân phong mới trên địa bàn. Thực hiện khám tiếp xúc những người trong gia đình và những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân phong trong thời gian giám sát. Đồng thời, ngành Y tế Đắk Song cũng lồng ghép công tác khám các bệnh da liễu vào các cơ sở điều trị để phát hiện sớm bệnh phong. Với những nỗ lực đó, năm 2020, huyện Đắk Song đã cơ bản đạt tiêu chí loại trừ phong tuyến huyện.

Hiện nay, nhận thức của người dân về bệnh phong từng bước được nâng lên, đa số đã hiểu hơn về bệnh phong nên sự kỳ thị, xa lánh bệnh nhân phong giảm đáng kể, không còn nặng nề như trước. Đây chính là yếu tố thuận lợi để hoạt động phòng, chống bệnh phong mang lại hiệu quả cao. Hy vọng, đến năm 2020, Đắk Nông sớm đạt mục tiêu 50% số huyện, thị xã, thành phố đạt 4 tiêu chuẩn về loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện và tiến tới loại trừ phong cấp huyện vào năm 2021./.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website