A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xả thải khẩu trang không đúng cách – nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh

Sử dụng khẩu trang y tế để phòng, bệnh truyền nhiễm là hành động đúng, nhưng sử dụng không đúng mục đích và xả thải bừa bãi không những gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ mỹ quan mà còn là nguồn lây nhiễm bệnh tật vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, tình trạng những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng lăn lóc, nhếch nhác khắp nơi, đang là vấn đề gây bức xúc cho cộng đồng và các cơ quan hữu quan..

Những ngày gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng xả thải khắp nơi, lăn lóc dọc các tuyến đường hay những khu công cộng. Cùng với tác động của gió và luồng di chuyển của các phương tiện giao thông, những chiếc khẩu trang này dạt vào lề đường và miệng cống thoát nước, thậm chí bám vào cây cỏ tạo thành thứ rác thải nguy hại.

Một nhân viên vệ sinh môi trường chia sẻ, gần 01 tháng qua, ngày nào chị cũng chứng kiến và trực tiếp thu gom hàng loạt chiếc khẩu trang y tế vứt bữa bãi dọc các tuyến đường hay khu công cộng. Không như những rác thải thông thường khác, khẩu trang y tế làm chị có cảm giác e ngại vì trong bối cảnh hiện nay tình hình dịch bệnh covid-19 đang bùng phát mạnh, nguy cơ lây lan không chỉ dịch bệnh covid-19 mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác rất dễ xảy ra.

Cùng cảm nhận với những nhân viên vệ sinh môi trường, kỹ thuật viên Trần Nguyễn T – Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng rất e ngại khi khu vực xung quanh, đặc biệt là khu nhà để xe BV có rất nhiều khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bừa bãi. Vì khuôn viên BV cao hơn mặt đường nên theo hướng gió, nhiều rác thải dồn vào cổng và bãi xe trong đó có rất nhiều khẩu trang đủ loại và đủ màu sắc. “Nếu là lá cây, bao bì hay những thứ rác thải thông thường khác cũng không thấy “đáng sợ” như những khẩu trang y tế”- chị T chia sẻ.

Những khu vực đông người qua lại số lượng khẩu trang xả thải càng nhiều

Chị T cho biết thêm, mỗi ngày có hàng trăm lượt người vào ra BV đồng nghĩa với việc có hàng chục thậm chí hàng trăm chiếc khẩu trang bị vứt lại. Nhiều người sau khi bước chân ra khỏi BV thì tiện tay tháo bỏ khẩu trang mà không cần biết thùng rác đặt ở đâu. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mà còn gây khó khăn cho đội ngũ nhân viên hộ lý vì vốn dĩ đã thiếu người thì nay công việc lại gia tăng bởi những chiếc khẩu trang bay vương vãi khắp nơi trong khuôn viên sân bãi BV.

Đối với những khu công cộng, những trục đường lớn hoặc các cơ quan, đơn vị còn có đội ngũ vệ sinh dọn dẹp hàng ngày, nhưng với những khu thưa dân cư hay đường mòn lối nhỏ thì rác thải khẩu trang “tự do” tích tụ và ngày càng trở thành vấn nạn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và làm xấu mỹ quan môi trường.

Rác thải khẩu trang “xâm nhập” lộ thiên vào tận những đường làng, ngõ xóm

Hiện nay, theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, người dân chỉ nên đeo khẩu trang y tế phòng tránh  Covid-19 khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 ; khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi... và khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đối với người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định sẽ gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến nhiều người bỏ qua việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trong khác như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.

BVĐK tỉnh khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi đến giao dịch và khám chữa bệnh

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, về lý thuyết khẩu trang của người bệnh là chất thải nguy hại, phải xử lý theo quy trình của chất thải nguy hại, khẩu trang người khác là chất thải thông thường. Khi chưa có ca bệnh, chưa cần phải xử lý tất cả khẩu trang y tế trong cộng đồng theo cách xử lý chất thải nguy hại mà khuyến cáo người dân sau khi sử dụng khẩu trang thì cần cho vào túi nilon cột kín trước khi thải bỏ. Tuy nhiên, nếu trường hợp dịch bệnh đang ở mức độ nghiêm trọng, vấn đề xử lý khẩu trang thải bỏ sẽ được xử lý theo dạng chất thải nguy hại.

Sử dụng khẩu trang để phòng bệnh Covid-19 đồng thời hạn chế sự phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh là điều cần thiết, tuy nhiên, người sử dụng cũng cần có cả ý thức về việc thải bỏ và xử lý đúng quy định, có như vậy thì việc thực hành biện pháp phòng bệnh mới đạt hiệu quả. Ngược lại, sử dụng không đúng cách và xả thải bừa bãi ngoài việc ảnh hướng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch còn gây phản cảm, ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Do đó, mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện triệt để các khuyến cáo của ngành Y tế để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt kết quả như mong muốn đồng thời cùng nhau xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website