A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TTYT Đăk G’long:Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

TTYT Đăk G’long:Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết 10/07/2019 Chỉ trong hai tháng (tháng 5 và 6/2019), toàn huyện Đăk G’Long ghi nhận 390 ca sốt xuất huyết. Trước tình hình dịch gia tăng và bùng phát mạnh, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đăk G’Long đã triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tiến tới dập tắt dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bùng phát nhanh trong thời gian ngắn

          Tháng đầu năm, huyện Đăk G’Long xuất hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên, đến hết tháng 4, toàn địa bàn có 5 ca bệnh. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5, sốt xuất huyết đột ngột bùng phát và gia tăng mạnh suốt những tháng tiếp theo. Tính đến ngày 1/7, toàn huyện ghi nhận 399 ca bệnh với nhiều ổ dịch xuất hiện, trong đó riêng tháng 5 và tháng 6 có 390 ca. Cụ thể, ngày 2/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị 10 bệnh nhân sốt xuất huyết có địa chỉ thường trú tại xã Quảng Sơn. Ngay lập tức, TTYT huyện Đăk G’Long đã nhanh chóng khoanh vùng và tiến hành các biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, do người dân chưa tích cực phối hợp với ngành Y tế trong việc dọn vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng, bọ gậy nên số ca sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Khó khăn trong phòng, chống dịch

          Dịch bùng phát mạnh, Ngành Y tế huyện Đăk G’long đã tập trung vào việc phun hóa chất diệt muỗi và hướng dẫn người dân cách xử lý nơi cư ngụ, sinh sản của muỗi. Thực tế, việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành chứ không diệt được lăng quăng, bọ gậy, do đó, muỗi truyền bệnh vẫn tiếp tục sản sinh, truyền bệnh nên số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, số ca bệnh tập trung chủ yếu tại xã Quảng Sơn, nơi tập trung dân cư đông đúc (22.000/64.000 dân số toàn huyện). Địa bàn nơi đây khá phức tạp, có rất nhiều hộ kinh doanh phế liệu, đổ phế thải quy mô lớn ngay gần chợ trung tâm xã. Nhiều loại phế thải chứa nước mưa lâu ngày như: vỏ lốp xe, thau nhựa, can nhựa … là môi trường để muỗi truyền bệnh sinh sản. Ngoài ra, sự giao thương của người dân giữa các xã trong địa bàn cũng khiến sốt xuất huyết lan mạnh trên toàn huyện

          Quyết liệt triển khai các biện pháp dập dịch

          Trước tình hình sốt xuất huyết lây lan và nhiều biện pháp phòng, chống triển khai chưa đạt hiệu quả, TTYT huyện Đăk G’Long tiếp tục tăng cường, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, TTYT đã tham mưu cho Huyện ủy Đăk G’Long ban hành văn bản chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, trong đó, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nhân dân tại địa phương.

          Song hành với đó, đơn vị đã tiến hành củng cố hoạt động của đội xung kích phòng, chống dịch tại mỗi xã với thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh v.v… kết hợp cùng cán bộ y tế thôn bản. Đội xung kích có vai trò kết nối, vận động cá nhân, đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường; trực tiếp tuyên truyền người dân cách phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động được ngành Y tế huyện đẩy mạnh. TTYT đã phối hợp với các trạm Y tế trên địa bàn  treo và phát gần 500 tờ rơi, áp phích; tuyên truyền qua loa đài truyền thanh của địa phương; ký hơn 400 bản cam kết chung tay phòng chống sốt xuất huyết với người dân hai xã trọng điểm Quảng Sơn và Đăk R’Măng.

          Nhằm hỗ trợ TTYT Đăk Glong trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường cho đơn vị một máy phun ULV chuyên dụng và 4 máy nhỏ cầm tay; cung cấp 250 bộ phòng chống dịch gồm áo chống dịch; khẩu trang, kính, găng tay chuyên dụng. Đến thời điểm hiện tại, TTYT Đăk G’long đã sử dụng 45 lít hóa chất để phun diệt muỗi, xử lý môi trường trên địa bàn.

          Ths.BS Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc TTYT huyện Đăk G’Long cho biết: Với những biện pháp quyết liệt trên, cộng với việc cắm chốt cán bộ y tế tại cơ sở và những điểm nóng ca bệnh, đến nay công tác vệ sinh môi trường đã có khởi sắc. Trong tuần cuối cùng của tháng 6, số ca bệnh ghi nhận đã giảm còn khoảng 5 – 7 ca mỗi ngày, giảm một nửa so với trước đó (từ 10 – 15 ca/tuần). Ông Huynh hy vọng, với sự chủ động của TTYT huyện, sự nỗ lực, vào cuộc của chính quyền địa phương và nhân dân, tin rằng trong vòng 15 ngày nữa dịch sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ được khống chế, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới dập tắt dịch.

Phun hóa chất diệt muỗi tại xã Quảng Sơn

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website