A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo tỉnh giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại Thành phố Gia Nghĩa

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại thành phố Gia Nghĩa có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cụ thể, tính đến ngày 09/6/2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 373 ca bệnh SXHD tại 8/8 xã, phường. Trước tình hình đó, sáng ngày 11/6, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng lãnh đạo Sở Y tế, CDC đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở một số điểm có số ca mắc cao tại địa bàn TP Gia Nghĩa.

Đoàn đã trực tiếp đến giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại nhà người dân ở tổ 1,3,4 – phường Nghĩa Trung – TP Gia Nghĩa. Đây là những nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao của TP. Sau đó đã đến kiểm tra công tác điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tính đến 9/6, toàn thành phố ghi nhận 373 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó: phường Nghĩa Đức 72 ca; Nghĩa Phú 34 ca; Nghĩa Tân 16 ca; Nghĩa Thành 45 ca; Nghĩa Trung 96 ca; Đăk Nia 20 ca; Đăk R’Moan 05 ca; Quảng Thành 85 ca.  chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2023 số ca mắc tăng 5,6 lần (373/59 ca). Ghi nhận 26 ổ dịch (09 ổ dịch đang hoạt động, 17 ổ dịch đã kết thúc). Tỷ lệ mắc SXHD/100.000 dân là 463,3 cao nhất so với toàn tỉnh Đăk Nông.

Tại địa điểm giám sát, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh trực tiếp kiểm tra quy trình xử lý các ổ dịch; công tác kiểm soát mật độ muỗi; các vật dụng và nơi có nguy cơ phát sinh lăng quăng; công tác truyền thông và ý thức phòng bệnh của người dân v.v.. Theo ghi nhận và đánh giá của đoàn kiểm tra, những khu vực này còn nhiều vật chứa đọng nước dễ phát sinh lăng quăng như: Vỏ lon bia đã sử dụng, cống rãnh, các thùng chứa nước không có nắp đậy, nước mưa ứ đọng và những vật phế thải nằm ẩn trong các bụi cây v.v.. Điều này dẫn đến mật độ muỗi tại đây vẫn còn rất cao.

Sau khi đi giám sát thực tế, Đoàn kiểm tra đã về làm việc tại UBND TP Gia Nghĩa, tại đây Phó Chủ tịch Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu UBND TP Gia Nghĩa chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường thuộc địa bàn thành phố Gia Nghĩa huy động nguồn lực triển khai ngay các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXHD như:

Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng tại các nơi có ổ dịch SXHD đang hoạt động, ít nhất 01 lần/tuần; đối với các khu vực còn lại thực hiện 02 tuần/lần và thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả, đăng ký lịch triển khai hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy định kỳ về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh xã, phường thông qua Trạm Y tế.

Tổ chức nhiều hình truyền thông về tình hình dịch bệnh SXHD, các biện pháp xử lý ổ bọ gậy/lăng quăng để người dân hiểu và thực hiện. Nếu không, sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 – 500.000 đối với hành vi không thực hiện biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở, nơi công cộng tại Điều 6, khoản 1 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

 Yêu cầu đội xung kích diệt bọ gậy/lăng quăng của tổ dân phố, thôn, bon đăng ký lịch triển khai hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy định kỳ. Đặc biệt là phát huy vai trò của Bí thư thôn, thôn trưởng trong việc huy động nguồn lực hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình và cộng động, nhất là các hộ gia đình có đảng viên nếu vi phạm sẽ được đánh giá vào bản nhận xét đảng viên nơi cư trú cuối năm.

Cử cán bộ phối hợp với Trạm Y tế xã, phường tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động diệt bọ gậy/lăng quăng. Tham mưu xử lý hành chính đối với các hộ gia đình, công ty, xí nghiệm, chủ nhà trọ, … không hợp tác trong hoạt động diệt bọ gậy, lăng quăng và để còn có ổ bọ gậy/lăng quăng trong xung quanh nhà, xí nghiệp, cơ sở, ...

Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Gia Nghĩa chỉ đạo các trường học phát động chiến dịch mỗi học sinh, giáo viên là 1 chiến sỹ diệt bọ gây/lăng quăng tại trường, hộ gia đình và tại nơi cư trú.

Về phía Sở y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc hỗ trợ cho thành phố Gia Nghĩa trong hoạt động diệt bọ gậy/lăng quăng khi địa phương có yêu cầu. Bệnh viện đa khoa tỉnh phải luôn sẵn sàng phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị để thu dung, điều trị sớm cho các trường hợp mắc bệnh SXHD, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá và đôn đốc địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống SXHD trên địa bàn./.

Một số hình ảnh của đoàn làm việc

 


Tác giả: Văn Tiến

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website