A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong tình hình mới

Triển khai thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Ngày 20/4/2018, UBND tỉnh Đăk Nông ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về việc Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đăk Nông với Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, giai đoạn 2017-2020. Thông qua quá trình triển khai thực hiện Đề án, việc triển khai hoạt động khám, chữa bệnh theo nguyên lý Y học gia đình (YHGĐ) tại địa phương bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Tôn Thị Ngọc Hạnh quan tâm, chỉ đạo công tác y tế trên địa bàn tỉnh

Toàn tỉnh hiện có 100% Trạm Y tế (TYT) cơ bản đã bảo đảm về nhân lực để triển khai mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ và đáp ứng các yêu cầu về phát triển mạng lưới y tế cơ sở, với 88 bác sĩ, 89 y sĩ, 76 dược sĩ, 113 nữ hộ sinh và 146 điều dưỡng đã được tham gia các khóa đào tạo định hướng YHGĐ. Trong đó, 15 bác sĩ học chuyên khoa I về bác sĩ gia đình; 78 cán bộ là trưởng/phó TYT được đào tạo kỹ năng quản lý; 21 bác sĩ siêu âm tổng quát và 334 nhân viên TYT về quản lý, chẩn đoán, điều trị các bệnh không lây nhiễm. Ngành y tế đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) và  tập huấn sử dụng phần mềm cho 309 cán bộ y tế xã. Lực lượng cán bộ y tế được đào tạo về YHGĐ phân bổ đều ở các huyện trong tỉnh.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ tại địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Việc sử dụng phần mềm HSSKĐT còn gặp phải nhiều khó khăn như: điều kiện công nghệ thông tin tại TYT chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, máy vi tính cũ, lạc hậu; việc cập nhật hồ sơ sức khỏe chưa được đầy đủ, chính xác, chưa thường xuyên và chưa đồng bộ giữa bản thân ngành y tế, giữa ngành y tế với các ngành khác (ngành Bảo hiểm xã hội – về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…; ngành Công an – về dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân…); có quá nhiều các phần mềm theo dõi công tác chuyên môn khác nhau, không thống nhất, gây khó khăn trong công tác quản lý kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; thiếu nhân lực để triển khai thực hiện, thiếu kết nối, đồng bộ giữa các phần mềm quản lý; chưa có nguồn kinh phí để thực hiện việc khám sàng lọc/ phát hiện người bệnh mãn tính và nhập liệu thông tin trên phần mềm HSSKĐT …

 Bên cạnh đó, công tác khám sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, tăng huyết áp…) và các bệnh mãn tính khác còn nhiều bất cập như: quy trình, cách thức quản lý, điều trị người bệnh vẫn chưa được xác định; việc thực hiện quản lý HSSKĐT, khai thác thông tin chưa rõ ràng; cơ chế tài chính, thanh toán BHYT đối với mô hình YHGĐ chưa được xây dựng; chưa có kinh phí triển khai thực hiện khám sàng lọc và nhập liệu đối tượng mắc bệnh…

Trên cơ sở những thành tựu đạt được và những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, ngày 03 tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh Đăk Nông ban hành Kế hoạch số 571/KH-UBND về việc Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong tình hình mới gắn liền với phát triển công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2025. Với quan điểm chỉ đạo “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”. Hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo hướng từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững; đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% đơn vị tuyến huyện thực hiện được trên 70% danh mục theo phân tuyến; 100% tuyến xã tiếp tục duy trì điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu; 100% tuyến xã thực hiện được trên 70% danh mục kỹ thuật; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% Trạm Y tế xã có bác sỹ và tổ chức hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; 100% nhân lực làm việc tại Trạm Y tế được đào tạo, cập nhật bổ sung kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý YHGĐ;… Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế thực hiện nhiệm vụ YHGĐ; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống HSSKĐT theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông giáo dục và nâng cao sức khỏe; đẩy mạnh công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, chú trọng phát triển cây, con làm dược liệu tại địa phương;…

Trao đổi với phóng viên, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết: “Theo xu thế phát triển của y tế thế giới, việc nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở gắn với triển khai ứng dụng mô hình YHGĐ vừa là yêu cầu, đồng thời là định hướng giải pháp chủ yếu của ngành y tế Đăk Nông nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực cho mạng lưới y tế hiện nay và định hướng đến 2025. Với Kế hoạch số 571/KH-UBND, chúng tôi kỳ vọng vào sự nỗ lực mạnh mẽ của ngành y tế tỉnh nhà trong việc phát triển, hoàn thiện mạng lưới y tế. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để ngành y tế có điều kiện xây dựng, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Tổng nguồn vốn thực hiện Kế hoạch là Năm trăm năm mươi bốn tỷ, một trăm năm mươi bảy triệu đồng, được chi từ nguồn ngân sách Nhà Nước và các nguồn khác. Theo đó, Sở Y tế có trách nhiệm rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số quy định, chính sách về phát triển y tế cơ sở phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn; phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website