A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng bệnh nhân ho gà trong 4 tháng đầu năm

Gia tăng bệnh nhân ho gà trong 4 tháng đầu năm 27/05/2019 Tính đến ngày 23/5/2019, toàn tỉnh ghi nhận 06 trường mắc ho gà tại 03 huyện Tuy Đức; Đăk Mil; Krông Nô; tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo trong thời gian tới, số ca bệnh sẽ còn tăng cao do điều kiện thời tiết thuận lợi và chưa xác định được nguồn lây đối với những trường hợp mắc bệnh.

Cụ thể, các đối tượng mắc bệnh đều là trẻ em độ tuổi <12 tháng (4 ca) và 01 tuổi-03 tuổi (02 ca). Huyện Krông Nô có 3 trường hợp nhiễm bệnh thuộc địa bàn các xã Nam Đà, Đăk Nang và Buôn Choah; huyện Đăk Mil ghi nhận 02 trường hợp đều tại xã Đức Minh; trường hợp còn lại thuộc địa bàn xã Đăk Ngo huyện Tuy Đức. Qua điều tra xác minh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, không ghi nhận ổ dịch. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, đơn lẻ và tản phát trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Trung – cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, cả 06 ca mắc bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm khi bệnh nhân tham gia điều trị tại các bệnh viện. Vì vậy, cơ quan chức năng tại địa phương đều không xác định được nguồn bệnh và đường lây truyền đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, điều rõ nhận thấy nhất, tại các địa bàn có bệnh nhân, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin chứa thành phần ho gà rất thấp. Đơn cử như tại thôn Bình Giang (xã Buôn Choah - Krông Nô), nơi có 01 bệnh nhân mắc bệnh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ năm 2018 chỉ đạt 83%, thậm chí năm 2017 con số này chỉ ở mức 66,6%. Trường hợp bệnh nhân thuộc huyện Tuy Đức sinh sống tại bản Sín Chải (xã Đăk Ngo) cũng là địa bàn có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh rất thấp. Nơi đây, năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 32% và năm 2018 thì không có trường hợp nào được tiêm chủng (0%).

Thêm một điểm chung được ghi nhận, hầu hết các khu vực bệnh nhân ho gà xuất hiện đều có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Như xã Đăk Ngo, 100% người dân là đồng bào dân tộc M’Nông; xã Buôn Choah (Krông Nô) dân cư đa phần là các dân tộc như Ê Đê, Nùng, Tày, Thái… Ở những vùng này, nhận thức của người dân về tiêm chủng còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng trong công tác phòng bệnh. Một số gia đình không đồng ý để trẻ được tiêm chủng do mang theo con đi rẫy; do sợ tiêm cho con về sẽ bị sốt, đau quấy khóc và không đi nương rẫy được sẽ mất việc. Kết quả, tỷ lệ tiêm chủng luôn không đạt chỉ tiêu đề ra và kết quả thậm chí rất thấp. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường ở những gia đình có ca bệnh và khu vực lân cận đều không đảm bảo. …Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi cho bệnh ho gà phát triển mà còn kéo theo nguy cơ gia tăng thêm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa và hô hấp khác.

Hiện nay, toàn tỉnh đang bước vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm là môi trường lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm xuất hiện và bùng phát. So với cùng kỳ năm 2018, hiện số ca mắc ho gà đã tăng 4 ca và vẫn đang có nguy cơ gia tăng tiếp tục. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh. Đối với những địa phương đã xuất hiện ca bệnh cần tiến hành điều tra, giám sát thực tế tại cộng đồng nơi ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh nhằm thu thập thêm thông tin, các yếu tố dịch tễ liên quan để nhận định tình hình dịch bệnh tại địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục để người dân hiểu rõ và nhận thức được sự nguy hiểm cũng như các dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống; theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhi ho gà, khi thấy các triệu chứng ho kéo dài cần được thăm khám, cách ly và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp; tổ chức các hoạt động khử khuẩn môi trường bằng cách lau chùi bề mặt, ngâm đồ chơi, vật dụng bị nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng Chloramil B hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Ngoài ra, trạm Y tế các xã tiến hành rà soát và tiêm vét cho tất cả các đối tượng ≤ 48 tháng tuổi trên địa bàn chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin chứa thành phần Ho gà.

Đối với những địa phương còn lại cần giám sát chặt chẽ tại các cơ sở y tế và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc hoặc nghi mắc Ho gà, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đồng thời tiến hành điều tra ca bệnh, khoanh vùng, cách ly, xử lý và hướng dẫn điều trị kịp thời; chú trọng, tăng cường công tác tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95% ở quy mô thôn/bản để phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là vắc xin có thành phần Ho gà như CombeFive, DPT (bạch hầu, uốn ván, ho gà). Theo đó, các trạm Y tế thực hiện nghiêm công tác quản lý đối tượng tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định và không ngừng tuyền truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tiêm chủng.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website