A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng nỗi lo dịch bệnh khi công trình vệ sinh trường học chưa đảm bảo

Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học do Liên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 12/5/2016. Theo đó, bảo đảm các điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trong trường học là một trong những nội dung quan trọng của công tác y tế trường học. Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD&ĐT, công trình nhà vệ sinh là tiêu chí đánh giá trường chuẩn Quốc gia, phục vụ nhu cầu cần thiết đối với cán bộ, giáo viên và học sinh tại các trường học. Trên thực tế, hiện nay, trường học đảm bảo tiêu chí công trình vệ sinh theo quy định rất khiêm tốn. Tình trạng trường học có hệ thống nhà vệ sinh tạm bợ, xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu diễn ra phổ biến, nhất là đối với các điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa, trường phân hiệu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe học sinh, cán bộ giáo viên cũng như công tác y tế trường học chưa được đáp ứng theo quy định.

Hơn 60 em học sinh thuộc 3 lớp học nhưng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh thường xuyên bị hư hỏng và không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh

Trung bình mỗi năm trường THCS Quang Trung thuộc xã Đắk R’Tih (Tuy Đức) có khoảng 400-420 em học sinh cùng với gần 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác. Trường có 6 nhà vệ sinh, 4 phòng xây dựng từ năm 2002 đã hư hỏng, xuống cấp hầu như không sử dụng được; 2 phòng còn lại xây dựng từ năm 2019 do phụ huynh tự đóng góp kinh phí, huy động nhân công xây dựng được xem là “trung tâm vệ sinh” của khoảng 450 con người. Năm học 2020, UBND huyện đầu tư xây dựng cho nhà trường 6 phòng học và thư viện nhưng trong thiết kế lại không có hạng mục nhà vệ sinh trong khi nhu cầu của nhà trường về vấn đề này đã vô cùng bức thiết.

Tương tự, tại phân hiệu thôn 11, trường mầm non Sơn Ca thuộc xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong bố trí 3 lớp học với 62 em học sinh. Các em học sinh chủ yếu là con em đồng bào thiểu số tại địa phương. Cả phân hiệu chỉ có 1 nhà vệ sinh duy nhất nhưng bệ xí đã bị hỏng, không còn chức năng nhấn xả nước trong khi không có vòi nước hoặc bể chứa nước gần bên. Mỗi lần vệ sinh cho các cháu, các cô giáo phải đi xa hơn 20m xách nước giếng đào vào thau dội, cọ rửa. Khu vực xung quanh nhà vệ sinh luôn có mùi hôi, các vật dụng và nền nhà ố bẩn rất mất vệ sinh. Chính sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống nhà vệ sinh đã khiến cho sinh hoạt và môi trường học tập của cô trò phân hiệu này vô cùng khó khăn, bất tiện. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thoa nhà ở huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk) được điều động về công tác tại phân hiệu gần 3 năm nay cho biết, từ ngày cô về đứng lớp đến nay, tình trạng nhà vệ sinh vẫn chưa được cải thiện triệt để. Sau nhiều lần kiến nghị, nhà trường có cho người đến sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó, bệ xí lại hư hỏng và vẫn không có nguồn nước phục vụ việc dọn dẹp. “Do các em học sinh nhỏ tuổi, chưa có ý thức vệ sinh cá nhân nên nhu cầu sử dụng nước và nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng vô cùng cần thiết. Với điều kiện như hiện tại, rất khó để chúng tôi đảm bảo khâu vệ sinh cho các em học sinh theo đúng quy định” – cô Thoa nói.

Hiện nay, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiến hành giám sát, đánh giá công tác y tế các trường học trên địa bàn, trong đó có vấn đề công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định của liên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn và do quy định về việc phân cấp trong quản lý, mỗi năm đơn vị chỉ tiến hành giám sát khoảng 10% tổng số trường học trên địa bàn. Qua giám sát, đánh giá, tại hầu hết các trường bậc trung học phổ thông, vấn đề vệ sinh nhà vệ sinh đã được các trường thực hiện tốt, đảm bảo tiêu chuẩn và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe học sinh cũng như cán bộ nhân viên nhà trường.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Vy, Khoa Sức khỏe môi trường- Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tình trạng công trình vệ sinh thiếu, không đảm bảo tiêu chí vệ sinh đang tồn tại nhiều ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều năm phối hợp với ngành Giáo dục đảm nhiệm công tác này, bà Vy được biết, do các cơ sở giáo dục xây dựng đã lâu, thời điểm xây dựng không ưu tiên bố trí vốn xây dựng công trình vệ sinh. Một số dự án đầu tư công trình có nhà vệ sinh đi kèm nhưng thường ưu tiên xây dựng trước các hạng mục chính, còn công trình phụ phải chờ đợi. Bên cạnh đó, một số công trình hư hỏng xuống cấp không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể huy động đóng góp xây dựng công trình vệ sinh từ phụ huynh trong khi kinh phí để xây dựng các công trình vệ sinh không nhỏ nên các trường cũng đành chấp nhận thiếu thốn.

Theo quy định tại Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, hạng mục nhà vệ sinh là một trong những hạng mục quan trọng trong xây dựng, kiến thiết trường học. Mỗi cấp học khác nhau có những quy định về nhà vệ sinh khác nhau, thực hiện theo quyết định 2585/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố Tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó quy định tiêu chuẩn khu vệ sinh trường trung học có diện tích tối thiểu 0,06m2/ học sinh với số lượng thiết bị yêu cầu bao gồm: 1 tiểu nam, 1 chậu xí, 1 chỗ rửa tay cho 30 học sinh. Đối với học sinh nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí; khu vệ sinh trong các trường tiểu học cần có phòng đệm, thiết kế theo tiêu chuẩn với diện tích tối thiểu là 0,06m2/học sinh. Đối với phòng vệ sinh nam: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20-30 học sinh bao gồm: 1 bồn rửa tay, 1 bệ xí và 1 tiểu nam. Đối với phòng vệ sinh nữ: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20 học sinh nữ, bao gồm 1 chậu xí cho mỗi phòng. Còn đối với cấp mầm non, nhà vệ sinh phải đáp ứng được các tiêu chí như xây dựng khép kín với phòng sinh hoạt và phòng ngủ hoặc liền kề với nhóm lớp, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát. Tiêu chuẩn diện tích từ 0,40m2 /trẻ đến 0,60m2 /trẻ nhưng không nhỏ hơn 12m2/phòng. Có vách ngăn cao 1,20m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu. Kích thước mỗi ô đặt bệ xí 0,8m x 0,7m. Bố trí từ 2-3 tiểu treo dùng cho trẻ em nam và từ 2 xí bệt đến 3 xí bệt dùng cho trẻ em nữ….

Thực tế cho thấy, học sinh các cấp và cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục đang là lực lượng chiếm tỷ phần lớn trong tổng dân số Việt Nam. Tương tự, số học sinh và cán bộ nhân viên ngành Giáo dục tỉnh Đăk Nông cũng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số dân toàn tỉnh. Hàng ngày các em và các thầy, cô giáo vẫn đến trường và sinh hoạt tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc, có rất nhiều người hàng ngày đang đối mặt với tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh. Trong khi đó, việc đảm bảo tiêu chí vệ sinh đối với công trình vệ sinh trong trường học dường như đang bị bỏ ngõ, bởi phần lớn các công trình gần như xuống cấp, hư hỏng hoặc có hoạt động cũng không đảm bảo quy định. Qua tìm hiểu, để đáp ứng lộ trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia, chính quyền địa phương đang ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các điểm trường chính, còn đối với các điểm phụ vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Vì vậy, nguy cơ và nỗi lo ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,… sẽ còn kéo dài chưa biết khi nào mới kết thúc.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website