A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (nội dung liên quan thuộc lĩnh vực y tế) giai đoạn 2021 - 2023

Theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XD NTM), Bộ Y tế được giao thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tập huấn cô đỡ thôn bản - một trong các nội dung cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức.

(1) Nội dung 08 thuộc Thành phần số 21: Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã (TYT), trung tâm y tế huyện (TTYT).

(2) Nội dung 02 thuộc Thành phần số 52: Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

(3) Nội dung 06 thuộc Thành phần số 73: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình.

Ngày 31/8/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2373/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, trong đó đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện CTMTQG XD NTM đến năm 2025.

Bộ Y tế đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG XD NTM trong các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế như: Chương trình Sức khỏe Việt Nam (Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ); Dự án Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh… (Công văn số 4500/BYT-MT ngày 22/8/2022 của Bộ Y tế về triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống, dịch bệnh);…

           Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các TYT, TTYT; chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; tiếp tục công tác chỉ đạo tuyến; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; tiếp tục triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện thành công Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 chuyển nặng, nhập viện, tử vong ở mức thấp hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới, góp phần phục hồi kinh tế xã hội. Bộ Y tế đã duy trì và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không để dịch bệnh lớn xảy ra, không để xảy ra dịch chồng dịch. Đồng thời, tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và làm tốt công tác tiêm chủng.

Chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm bước đầu được triển khai đến tuyến xã như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản… Tỷ lệ TYT quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng 64,6% (năm 2012) lên 84,7% (năm 2022). Đối với tuyến huyện, tỷ lệ TTYT thực hiện quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng. Tính đến cuối năm 2022, có 95,7% số TTYT triển khai quản lý điều trị bệnh đái tháo đường; 97,1% số TTYT triển khai quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp; 96,8% số TTYT triển khai quản lý điều trị bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam năm 2020 đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm).

Về nội dung cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao năng lực trình độ cán bộ y tế như: chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh; đào tạo cô đỡ thôn bản; tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản; tập huấn xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 07 đến 60 tháng tuổi; tập huấn chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời,... Qua đó góp phần giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em.

Đối với nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tiếp tục rà soát, hướng đến bao phủ BHXH toàn dân. Tỉ lệ này đã tăng từ 90,85% (năm 2020) lên 92,03% (năm 2022).

Về nội dung tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm liên quan, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý an toàn thực phẩm. Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có xu hướng giảm về số vụ, số ca mắc. Trong năm 2022, giảm 22 vụ (27,2%), giảm 502 ca mắc (25,8%) so với năm 2021.

Tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn quốc đã có sự thay đổi rõ rệt qua từng năm, qua từng giai đoạn. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 77% (năm 2010) lên 96,6% (năm 2021). Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 77,8% (năm 2021), tăng 17,8% so với (năm 2010). Tuy nhiên, tỷ lệ này phân bố không đồng đều giữa các vùng sinh thái, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ nhà tiêu HVS cao nhất 95%, tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng 89,7% và Duyên hải Nam Trung Bộ 84,5%. Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp nhất với 70,4% và 64,8%.

Thông qua hoạt động truyền thông, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, các Bộ ngành, đoàn thể đã có sự quan tâm về công tác vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch khu vực nông thôn. Nhận thức và thực hành của người dân khu vực nông thôn trong việc giữ gìn môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch cải thiện rõ rệt.

Trong quá trình thực hiện nội dung liên quan thuộc lĩnh vực y tế tại CTMTQG XD NTM còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, phân bổ, giải ngân vốn còn chậm; một số địa phương có ý kiến đối với việc khó khăn khi sử dụng sổ theo dõi sức khỏe điện tử;… Bộ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục bổ sung các văn bản hướng dẫn, kịp thời trả lời địa phương theo quy định./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website