A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao nhận thức để phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả

Nâng cao nhận thức để phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả 28/08/2019 Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trong nhiều tháng qua. Hiện cả 8/8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều đã xuất hiện ca bệnh. Tính đến ngày 27/8, toàn tỉnh có 3.491 ca bệnh, tăng 3.325 ca so với cùng kỳ. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng sốt xuất huyết gây ra nhiều nguy cơ, tổn hại sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng nói, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh cảnh sốt xuất huyết, qua đó gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động phòng và dập dịch.

Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành để phòng chống SXH

Sốt xuất huyết là do muỗi truyền bệnh

Tính từ đầu năm đến nay, Thị xã Gia Nghĩa đã ghi nhận hơn 400 ca sốt xuất huyết. 8/8 xã, phường đều có ca bệnh trong đó tập trung nhiều ở các phường Nghĩa Trung, Nghĩa Thành và Nghĩa Đức. Khu tái định cư Đăk Nia bao gồm một phần thuộc Phường Nghĩa Đức và một phần thuộc phường Nghĩa Trung. Nơi đây tập trung đông dân cư, nhà cửa san sát. Bên cạnh những khu vực đông đúc nhiều người sinh sống, vẫn còn nhiều khu đất trống, cây cối mọc um tùm, ẩm thấp, người dân lại “tranh thủ” vứt rác bừa bãi, trong đó có nhiều vật dụng hư hỏng, có thể là nơi để muỗi đẻ trứng. Địa phương và ngành y tế cũng đã huy động cộng đồng thu don, vệ sinh môi trường, tuy nhiên sau một thời gian đâu lại vào đấy. Ông Nguyễn Đình Đ – một người dân đang sinh sống nơi đây không khỏi lo lắng: “Quanh nhà tôi ở có rất nhiều muỗi. Nhất là vào chiều tối, muỗi bày dày đặc. Nghe đâu toàn khu vực đã có hơn chục người bị sốt xuất huyết. Bà con chúng tôi đang mong ngành Y tế đến phun thuốc diệt trừ muỗi để không ai bị bệnh nữa”.

Chung suy nghĩ với ông Đ, bà Hoàng Thị M trú tại tổ 2 – Phường Nghĩa Đức cũng cho biết: “Hiện nay trong xóm tôi đã có nhiều nhà có người bị sốt xuất huyết. Khu vực này gần bờ sông và đang thuộc diện quy hoạch nên nhà nào cũng tạm bợ, ẩm thấp nên muỗi nhiều vô kể. Cháu ngoại tôi bị sốt 2 ngày nay, chắc lại bị nhiễm sốt xuất huyết do muỗi đốt. Chiều nay tôi sẽ đưa cháu lên trạm Y tế để khám”.

Khi nhận thức chưa đầy đủ

Bà Tôn Thị Kim Kiều – cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, hiện nay, đa phần người dân đều hiểu nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi đốt truyền bệnh. Vì vậy, để không bị lây bệnh thì diệt muỗi là cách phòng ngừa tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rằng phun hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành, điều quan trọng phải dọn vệ sinh loại bỏ những nơi sinh sản, phát triển của muỗi. Đặc biệt, công tác phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế mà cần sự chung tay, phối hợp của người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương.

Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thị xã cho biết, chính nhận thức không đầy đủ của người dân đã gây khó khăn cho công tác phòng chống và dập dịch sốt xuất huyết. Nhiều lần ngành Y tế chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương huy động tổ chức vệ sinh môi trường chuẩn bị cho chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi nhưng không nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Họ chỉ muốn được phun hóa chất diệt muỗi ngay khi có ca bệnh xảy ra.

Cùng nhận xét với ông Trung, ông Y Khôi Hđơk – cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đăk Glong – người trực tiếp thực hiện các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cũng cho biết “Nhiều gia đình muốn cơ quan chức năng phun hóa chất diệt muỗi nhưng lại thiếu hợp tác, phối hợp trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Khi đội xung kích tiến hành đổ bỏ các vật dụng trữ nước có lăng quăng, bọ gậy hoặc chặt bỏ cây cối, vệ sinh môi trường, dọn dẹp sắp xếp lại đồ đạc phế thải đã bị nhiều hộ gia đình phản ứng, tỏ thái độ gay gắt ngăn chặn hoạt động của các đơn vị chức năng. Thậm chí có nhiều gia đình đóng cửa nhà “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi đội xung kích tổ chức dọn vệ sinh môi trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn chúng tôi chưa đạt kết quả cao trong thời gian qua”.

Phải xử lý ổ dịch theo quy định

Tại quyết định số 2497/QĐ-BYT ngày 14/7/2010 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xử ký ổ dịch sốt xuất huyết quy định rõ trước khi phun hóa chất diệt muỗi phải tiến hành xử lý, diệt lăng quăng bọ gậy và dọn vệ sinh môi trường nhằm loại bỏ nơi ẩn nấp, sinh sản của muỗi. Theo đó,  chính quyền các cấp chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết các cấp, các Ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch với sự tham mưu của ngành y tế, tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng; Thành lập đội xung kích diệt bọ gậy/lăng quăng tuyến thôn, ấp với thành phần gồm trưởng thôn, dân phòng, cộng tác viên, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, học sinh cấp II... để triển khai các hoạt động diệt bọ gậy/lăng quăng tại cộng đồng.

Cũng theo quyết định này, các hoạt động cần thiết phải thực hiện để việc phun hóa chất diệt muỗi đạt hiệu quả là thu dọn rác, dụng cụ phế thải (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc huỷ bỏ bằng chôn, đốt; Úp các dụng cụ gia đình chưa sử dụng như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm; Xử lý kẽ lá cây (chuối, cọ, dừa...) bằng chọc thủng, cho hoá chất diệt bọ gậy/lăng quăng vào trong; Đậy dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi đẻ trứng; Thả cá hoặc tác nhân sinh học vào dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy/lăng quăng; Lọc nước loại bỏ bọ gậy/lăng quăng, dội nước sôi vào thành vại để diệt trứng muỗi bám trên thành khi còn chứa ít nước; Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hoà: cho dầu hoặc muối vào, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi.

Để khẩu hiệu Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyếtđược phát huy tác dụng thì người người, nhà nhà, ngành ngành phải đồng lòng thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng tránh. Ngoài việc phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, khoanh vùng dập dịch kịp thời thì quan trọng hơn là cần phải ngăn chặn, hạn chế không cho muỗi vằn tiếp xúc với người. Vì vậy, mỗi người dân cần tự ý thức, chủ động và tích cực diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng mọi lúc, mọi nơi nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho công tác phòng ngừa căn bệnh này.

Vệ sinh môi trường để phun hóa chất diệt muỗi đạt hiệu quả


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website