A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện 01 trường hợp mắc bệnh bạch hầu

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên vừa tiếp nhận và điều trị cho 01 trường hợp mắc bệnh bạch hầu có địa chỉ thường trú tại huyện Krông Nô. Qua xác minh, giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông xác định đây là ổ dịch bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đăk Nông từ năm 2004 đến nay.

Bệnh nhân Nguyễn Thị L.A (sinh năm 2008, trú tại xã Đăk Sor, huyện Krông Nô) nhập viện vào lúc 10h ngày 06/6/2020 tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (BV) trong tình trạng sốt /loét họng chưa rõ nguyên nhân. Sau khi thăm, khám, BV chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết/TD bạch hầu họng/viêm họng/Down. Kết quả mẫu xét nghiệm vào sáng ngày 7/6, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Bạch hầu.

Trước đó, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói và được Trung tâm Y tế huyện Krông Nô điều trị nhưng triệu chứng ngày càng nặng thêm như khó thở, buồn nôn, đau họng. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh Down, được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May mắn tỉnh Đăk Nông. Kết quả hồi cứu, bệnh nhân đã được tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần Bạch hầu – Uốn ván – Ho Gà (DPT) tại tỉnh Bình Dương.

Khi nhận được thông tin có ca bệnh dương tính với vi rút bạch hầu tại huyện Krông Nô, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (KSBT) ngay lập tức tiến hành điều tra, giám sát, xác minh tình hình dịch bệnh liên quan đến bạch hầu. Qua giám sát, đoàn công tác ghi nhận thêm 02 trường hợp nghi ngờ mắc bạch hầu liên quan đến trường hợp dương tính nêu trên. Đây là 02 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, hiện đang có các biểu hiện ngứa họng. Khám phát hiện có giả mạc trắng tại gốc lưỡi, có sốt, đau họng, nôn ói, họng đỏ sưng nề đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhanh chóng tổ chức các hoạt động điều tra, khoanh vùng ổ dịch và điều trị dự phòng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Qua điều tra, có gần 150 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, bao gồm 14 người là thành viên trong gia đình và hàng xóm xung quanh nhà; 104 người có mặt tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May mắn (nơi bệnh nhân được chăm sóc). Trung tâm tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong dự phòng bệnh Bạch hầu cho 128 đối tượng có liên quan (đạt tỷ lệ điều trị dự phòng ngày thứ 1 là 60,4%). Kết hợp với TTYT Krông Nô, lực lượng y tế đã phun khử khuẩn toàn bộ diện tích Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May mắn, nhà bệnh nhân và nhà hàng xóm xung quanh bệnh nhân dương tính.

Qua điều tra, giám sát, hiện tại Trung tâm KSBT chưa xác định được nguồn lây truyền bệnh Bạch hầu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nhà may mắn. Dự báo tình hình bệnh Bạch hầu tại địa phương sẽ diễn biến phức tạp vì đây là giai đoạn đầu của bệnh, các đối tượng tiếp xúc trực tiếp với trường hợp dương tính khá nhiều, một số đối tượng trở về địa phương và tiếp xúc với nhiều người sau khi đã tiếp xúc với ca bệnh. Vì vậy, khả năng xuất hiện ca bệnh và nguy cơ lây lan trong cộng đồng khá cao đòi hỏi công tác cách ly và điều trị dự phòng phải được triển khai khẩn cấp, kịp thời. Đây là ổ dịch bệnh Bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đăk Nông từ năm 2004 đến nay.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebaterium Diphtheriare. Bệnh thường có các biểu hiện lâm sàng ở trẻ nhỏ như viêm họng, mũi, thanh quản, họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám thấy có giả mạc. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm độc tố bạch hầu tại chỗ giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày.

Hiện nay, biện pháp tiêm phòng vắc xin là cách duy nhất để phòng bệnh bạch hầu đạt hiệu quả cao. Vắc xin bạch hầu có trong tất cả các vắc xin tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6 tuần đến 6 tuổi như vắc xin 6 trong 1 phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh do Hib. Vắc xin 5 trong 1 (SII) phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website