A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông chủ động phòng chống bệnh Chikungunya

Đăk Nông chủ động phòng chống bệnh Chikungunya 18/08/2020 Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 06/8/2020, quốc gia Campuchia đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc bệnh Chikungunya tại 12 tỉnh thành. Bệnh Chikungunya là bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người qua người thông qua muỗi Aedes (cùng loài muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika) là vật chủ trung gian truyền bệnh. Hiện nay bệnh Chikungunya đang lây lan nhanh trên diện rộng. Bệnh có biểu hiện triệu chứng lâm sàng gồm có sốt, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, phát ban.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Chikungunya và Zika tuy nhiên, toàn tỉnh đã ghi nhận 322 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue (tính đến ngày 17/8) tại 55/71 xã/phường/thị trấn thuốc 8 huyện/ thành phố. Tỉnh Đăk Nông có khoảng 141Km đường biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia, có 02 cửa khẩu Bu Prăng và Đăk Puer nối thông với các tỉnh Mondulkiri, Kratie, Kandal, Pnom Pênh... Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Chikungunya đang lây lan trong cộng đồng ở quốc gia Campuchia nên nguy cơ xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn.

Đăk Nông đang trong giai đoạn mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue lây lan trong cộng đồng và phát hiện sớm ca bệnh Chikungunya, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh đã tổ chức điều tra véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ghi nhận nhiều địa phương có chỉ số véc tơ vượt ngưỡng giới hạn theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm KSBT đã đề nghị các địa phương có chỉ số véc tơ cao như huyện Đăk Glong, Cư Jut và Đăk Mil khẩn trương xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã huy động nguồn lực triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi đến tất cả các hộ gia đình. Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi cần đảm bảo tất cả các ổ lăng quăng/bọ gậy được xử lý triệt để. Tất cả các hộ gia đình trong phạm vi triển khai cần phối hợp với ngành Y tế và chính quyền để hoạt động phun hóa chất diệt muỗi đạt hiệu quả cao.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các địa phương cần triển khai phòng, chống bệnh Chikungunya và Zika. Tăng cường công tác giám sát tại các cơ sở y tế và cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp bệnh đầu tiên. Nghiêm túc thực hiện việc điều tra xác minh ca bệnh, khai thác chi tiết tiền sử dịch tễ đi/đến/ở/về từ vùng có dịch. Điều tra đánh giá các chỉ số véc tơ và yếu tố nguy cơ tại khu vực ghi nhận ca bệnh, khoanh vùng và xử lý nhanh, triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, đánh giá các chỉ số véc tơ định kỳ hàng tháng tại các xã/phường trọng điểm, khu vực nguy cơ cao và khu vực ổ dịch cũ để đánh giá sự biến động của véc tơ và là cơ sở dự báo nguy cơ để chủ động triển khai kịp thời các hoạt động kiểm soát véc tơ.

 Tại các địa phương có cửa khẩu giáp ranh với quốc gia Campuchia cần phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh qua lại, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm phân lập vi rút đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và đi về từ vùng có dịch bệnh Chikungunya.  Kiện toàn các đội xung kích diệt bọ gây/lăng quăng đến từng thôn, bon và phải được phân công nhóm,  hộ gia đình phụ trách cho từng thành viên của tổ. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức của người dân về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika như nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng, chống bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa phương. Khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong công tác vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên tự diệt bọ gậy, lăng quăng hàng tuần ngay tại hộ gia đình.

Bệnh Chikungunya đang là  bệnh dịch mới nổi tại nước bạn Campuchia và hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các triệu chứng của bệnh gồm có sốt cao trong 3-4 ngày, đau khớp, mỏi cơ, đau đầu, nôn, mệt và phát ban. Đến nay, bệnh Chikungunya không gây chết người và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau 01 tuần – 10 ngày,  tuy nhiên, người bệnh có thể để lại di chứng viêm khớp dai dẳng  hoặc có thể tử vong nếu đồng thời cùng mắc các bệnh nền như sốt rét, viêm màng não hoặc một số bệnh mạn tính khác ./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website