A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế sẵn sàng hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng

Ngành Y tế sẵn sàng hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng 03/09/2019 Thời tiết diễn biến thất thường đang tạo thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm xuất hiện và bùng phát. Cùng với dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, nguy cơ bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch đang đe dọa nhiều tỉnh, thành trong đó có Đăk Nông. Thực tế hiện nay cho thấy, số ca bệnh đang tăng và nguy cơ diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã chuẩn bị các nguồn lực, sẵn sàng cho công tác phòng và dập dịch nếu có.

Bà Tôn Thị Kim Kiều – cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Tại tỉnh ta, bệnh tay chân miệng (TCM) thường gia tăng vào tháng 9 đến tháng 11 và đạt đỉnh bệnh vào tháng 10; đối tượng mắc tập trung cao ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Thời điểm này lượng mưa trung bình khá cao, độ ẩm không khí cũng tăng cao, môi ẩm thấp tạo điều kiện cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là lúc các trường học quay lại hoạt động sau thời gian nghỉ hè. Các trường, lớp mầm non; nhóm trẻ là môi trường dễ phát sinh và lây lan bệnh”.

Tính đến ngày 28/8, toàn tỉnh ghi nhận 121 ca bệnh TCM tại 45/71 xã, phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thị xã trên toàn địa bàn (Tăng 22 ca so với cùng kỳ 2018), trong đó số bệnh nhân tập trung cao ở huyện Đăk Song và thị xã Gia Nghĩa. Dự báo trong thời gian tới, tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số mắc tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới. Môi trường học đường tồn tại nhiều yếu tố thuận lợi cho bệnh TCM phát triển, trong đó vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo tại một số trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình, góp phần làm cho bệnh lây lan trên diện rộng và khó kiểm soát.

Trong 08 tháng đầu năm, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã giám sát, phát hiện và xử lý 04 ổ dịch tại cộng đồng. Qua đó, ngành đã hướng dẫn người dân cách ly ca bệnh tránh lây lan cho cộng đồng; cấp phát và hướng dẫn, giám sát 75 hộ gia đình sử dụng Chloramin B để khử khuẩn bề mặt, lau chùi nền nhà, đồ chơi của trẻ trong khu vực ổ dịch; tổ chức truyền thông trực tiếp về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM tại 325 hộ gia đình có ca bệnh cũng như các hộ gia đình có trẻ nhỏ trong phạm vi bán kính xử lý dịch.

Theo đó, công tác hậu cần phục vụ phòng chống dịch được ngành chú trọng. Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cung ứng 1.760 chai xà phòng, 350 hộp khẩu trang, 300 hộp găng tay, 640 bộ trang phục chống dịch, 1.230 kg Chloramil B và một số vật tư tiêu hao khác cho các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã chủ động, sẵn sàng nguồn lực triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ được ngành quan tâm thực hiện. Tổng cộng đã có 12 lớp tập huấn, 1 hội nghị về phòng chống dịch bệnh, thống kê báo cáo được tổ chức với hơn 600 lượt người tham dự là những cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã; y tế thôn bon và cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website