A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường hoạt động, chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Ngày 30/8, tại tỉnh Đăk Lăk đã có ca bệnh bạch hầu đầu tiên và đã tử vong. Sau điều tra, đã có thêm 3 trường hợp được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu và nhiều trường hợp khác nghi ngờ mắc bệnh tại cùng địa phương. Trước nguy cơ dịch bệnh bạch hầu có thể lây lan mạnh trong cộng đồng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên chủ động, tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Viện yêu cầu ngành Y tế các tỉnh Tây nguyên phải tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình các ca bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng; triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho 100% các trường hợp tiếp xúc gần; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và không để tử vong tiếp tục xảy ra.

Các địa phương phải tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ tại những khu vực nguy cơ cao để tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh, qua đó đảm bảo tất cả trẻ em trong diện tiêm chủng mở rộng được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động, tự giác phòng tránh và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi.

Ngoài việc tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, tiêm chủng, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, Sở Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện nhằm kịp thời hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.

Tại tỉnh Đăk Nông, Cư Jút là địa phương tiếp giáp với địa bàn tỉnh Đăk Lăk – nơi đang diễn ra dịch bệnh bạch hầu nguy hiểm. Vì vậy, việc chủ động các hoạt động giám sát, phát hiện ca bệnh đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là vô cùng quan trọng. Theo đó, địa phương phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm kịp thời theo quy định hiện hành.

Ông Tăng Hải Hùng – Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y – Dược Sở Y tế cho biết, quan điểm chỉ đạo của Ngành Y tế là chủ động, sẵn sàng mọi hoạt động phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh. Sở Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống; tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù chưa xuất hiện ca bệnh. Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm Y tế, Sở yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực cho công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Vì đây là dịch bệnh lây lan mạnh nên phải bố trí khu cách ly khi có ca bệnh.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc, mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi; có thể xuất hiện ở da, niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ liều và đúng lịch. Ngoài ra cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website