A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tham gia tiêm chủng để xây dựng đất nước, con người Việt Nam

Tham gia tiêm chủng để xây dựng đất nước, con người Việt Nam 04/09/2019 Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Nhờ có TCMR hàng triệu trẻ em được bảo vệ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Tiêm chủng cũng bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.

Những ngày qua, thông tin về trường hợp cháu bé 4 tuổi người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đăk Lăk chết do bị bạch hầu dấy lên nỗi đau mất mát và thương cảm. Trước thông tin sự việc xảy ra, nhiều người hoài nghi và chặc lưỡi: “Chắc do không tiêm phòng vắc xin 5 in 1”, “Giá mà bé được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ”… Bên cạnh những chia sẻ tang thương thì nỗi lo về tình trạng không thực hiện tiêm chủng đầy đủ dẫn đến việc trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng cũng được nhiều người quan tâm. Trẻ bị bệnh, tử vong không chỉ đau thương mất mát cho gia đình mà còn là nguy cơ nguồn bệnh lây lan, phát tán trong cộng đồng.

Tại tỉnh Đăk Nông, trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, dịch Sởi xuất hiện và tăng mạnh trên toàn địa bàn. Tính đến ngày 20/8/2019, toàn tỉnh ghi nhận 976 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 68/71 xã,phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thị xã. Các đơn vị y tế thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm 540 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và ghi nhận 444/540 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Kết quả điều tra, giám sát cho thấy, số ca mắc sốt phát ban nghi sởi đều không được tiêm vắc xin có thành phần sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng trước đây; 6,5% ca sốt phát ban trong vùng dịch chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin sởi theo quy định của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Thống kê trên một lần nữa khẳng định, việc tiêm vắc xin có tầm quan trọng và ảnh hưởng vô cùng lớn đối với công tác phòng các bệnh truyền nhiễm. Quan trọng là vậy,  ý nghĩa lớn lao là vậy nhưng thực tế công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chưa đồng đều giữa các khu vực; nhận thức của một bộ phận người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tiêm chủng chưa cao; đặc biệt, tình trạng “vùng lõm” hoặc “trắng” tiêm chủng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Đăk Glong là địa phương điển hình khó khăn trong tiêm chủng mở rộng. 7 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình cho trẻ dưới 1 tuổi tại đây chỉ đạt 35,5%. Một số xã, tỷ lệ này đạt rất thấp như xã Đăk Som (14,3%), Đăk R’Măng (24,8%), Đăk Ha (24,8%), Quảng Hòa (33,1%). Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các thôn, bon trên địa bàn cũng không đồng đều. Có 12/74 thôn, bon đạt tỷ lệ vượt 100%; 20/74 thôn, bon có tỷ lệ đạt dưới 30% và 9/74 thôn bon chỉ đạt tỷ lệ dưới 5%. Đây cũng là địa phương xuất hiện ca bệnh sởi đầu tiên trong vụ dịch năm nay và bùng phát, lây lan trong thời gian ngắn.

Ông Huỳnh Thanh Huynh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, hiện toàn huyện tổ chức 7 điểm tiêm chủng cố định thường xuyên hàng tháng và 28 điểm tiêm chủng lưu động. Một số điểm tiêm chủng lưu động cách xa trung tâm >80km. Vào mùa mưa đường lầy lội, trơn trợt, rất khó tiếp cận được với các điểm tiêm chủng. Cùng với đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm số đông, trình độ dân trí thấp, công tác tuyên truyền tư vấn vận động đối tượng đi tiêm chủng rất khó khăn. Vì vậy, khi chưa có giải pháp hữu hiệu, chúng tôi tiếp tục đối mặt với nguy cơ không đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về tiêm chủng.

Theo chia sẻ của bà Tôn Thị Kim Kiều – Phụ trách Chương trình Tiêm chủng mở rộng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, không chỉ riêng huyện Đăk Glong mà thực tế hiện nay vẫn còn nhiều địa phương, công tác tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn. Đáng lo nhất là tình trạng “trắng” tiêm chủng tại một số địa bàn có đa số người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhóm người dân tộc thiểu số cũng chính là “nút thắt” của công tác tiêm chủng. Đa phần họ thiếu nhận thức dẫn đến sai lệch trong hành vi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Nhiều gia đình không hưởng ứng thậm chí bài trừ tiêm chủng. Vì vậy, khi dịch bệnh mà đặc biệt là bệnh truyền nhiễm xảy ra sẽ nhanh chóng lây lan, phát tán trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương.

Trước những khó khăn đó, ngành Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp như tổ chức điểm tiêm di động nhằm mục đích tiếp cận tối đa người dân; tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu rằng muốn phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; nếu không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì trẻ có nguy cơ bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế chức năng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra về công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm tại cộng đồng qua đó đánh giá thực trạng tỷ lệ tiêm chủng tại địa phương để có giải pháp can thiệp kịp thời. Đối với các điểm tiêm lưu động ngoài trạm, ngành sẽ tăng cường hỗ trợ về mọi mặt nhằm tiếp cận người dân ở mức cao nhất. Với những trường hợp cố tình không tham gia tiêm chủng, ngành sẽ nhờ sự can thiệp của chính quyền có những biện pháp mạnh tay nhằm răn đe, giáo dục, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương.

         Tiêm chủng mở rộng nhằm đẩy lùi bệnh tật và tăng cường độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng. Tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là tham gia xây dựng và phát triển đất nước, con người Việt Nam.

Tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ không bị bệnh, không bị chết và các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website